Theo số liệu của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tính đến ngày 23/11 đã tăng lên 1,8 tỷ USD. Với khối tài sản này, ông Long đã vượt qua ông Trần Bá Dương, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang để trở thành người giàu thứ 3 Việt Nam. Hai vị trí dẫn đầu vẫn là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.
|
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. |
Cổ phiếu Hòa Phát tăng phi mã
Chỉ riêng trong phiên giao dịch ngày 23/11, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát tăng tới 1.260 tỷ đồng. Gần đây, cổ phiếu của Hòa Phát liên tục tăng giá và hiện đã lên cao gấp 3 lần so với đáy hồi tháng 3/2020, khi thị trường chứng khoán lao dốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cổ phiếu Hòa Phát tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc. Doanh thu thuần quý 3/2020 đạt 24.685 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 110%, và là quý có kết quả tốt nhất từ trước tới nay.
Hòa Phát cho biết, sản lượng thép thô tiêu thụ quý vừa qua tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, trong khi giá vốn tốt. Đồng thời, mảng nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Sau 9 tháng, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 64.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 8.845 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 4 triệu tấn thép thô, gấp 2 lần năm 2019. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, còn lại là phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC). Riêng thép thành phẩm tăng 27% so với cùng kỳ. Thị phần thép Hòa Phát đạt 32,6%.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng giá trị tài sản của Hòa Phát là 117.472 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tăng 15%).
Nhà máy thép Hòa Phát xả thải gây ô nhiễm môi trường
Hòa Phát được biết đến là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam với 11 Công ty thành viên khoảng 20.000 CBCNV. Dù vậy, trong quá trình sản xuất, Tập đoàn Hòa Phát đã không ít lần khiến người dân bức xúc vì xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, ngày 30/5/2020, hàng trăm người dân xã Bình Thuận huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi mới đây lại kéo đến cổng Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất ngăn cản xe ra vào vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của người dân, hoạt động của nhà máy thép đã gây ra mùi hôi, khét rất nặng.
|
Người dân xã Bình Thuận tập trung quanh Nhà máy Hòa Phát - Dung Quất hôm 30/5. Ảnh: Lao động. |
Chính quyền xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cũng xác nhận là có hiện tượng mùi hôi, khét rất khó chịu và bay trực tiếp vào khu vực dân cư đang sinh sống.
Trước đó, vào tháng 12/2019, hàng loạt cây cối quanh khu vực Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất bị khô héo bất thường, chết sau nhiều đêm diễn ra tình trạng hôi, khét nặng tương tự.
Tuy nhiên, sau phản ứng của dân, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn vào cuộc khảo sát, đo đếm đều cho rằng các thông số quan trắc môi trường của Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất… ở mức cho phép.
Không chỉ tại Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, theo bài đăng trên Moitruong.net.vn ngày 5/12/2019, người dân sống ở xã Hiệp Sơn, và TT Kinh Môn, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương rất bức xúc trước tình trạng cứ đêm đến là nhà máy thép Hòa Phát xả bụi, khí thải khiến người lớn và trẻ nhỏ đều thấy khó thở, không dám ra ngoài.
|
Người dân “tố cáo” cứ đến đêm là nhà máy thép Hòa Phát xả khí thải và bụi ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Môi trường và Cuộc sống |
Những cây vải, cây nhãn, mái nhà của các hộ dân xung quanh nhà máy bị phủ một lớp bụi đen dày đặc. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài nhưng nhà máy chưa có các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Ông Trần Đình Long từng lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018, nhưng sau đó bị loại khỏi danh sách này trong năm 2019 và 2020. Hiện tại, ông Long là người giàu thứ 1.558 trên danh sách của Forbes.
Không chỉ "thăng hạng" trên bảng xếp hạng của Forbes, trên danh sách top người giàu sàn chứng khoán Việt Nam, tỷ phú Trần Đình Long còn vượt qua nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo để chiếm vị trí người giàu thứ 2 thị trường.
Tính đến ngày 23/11/2020, ông Trần Đình Long hiện sở hữu 840 triệu cổ phiếu Hòa Phát, tương đương 31.500 tỷ đồng.
Hoàng Minh