Bất kể trời nắng hay mưa, mùa nào thức ấy, nhóm thợ rừng của anh Nguyễn Sỹ Đác (24 tuổi, trú huyện Chư Păh, Gia Lai) đều băng rừng, lội suối, săn tìm lan rừng, nấm hay mật ong... để kiếm sống.
|
Thợ rừng tìm lan, nấm, mật ong bất kể nắng, mưa (Ảnh: Đác Nguyễn). |
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo nhóm anh Đác vào rừng. Hành trình bắt đầu từ 5h sáng mỗi ngày. Cả nhóm gùi theo gạo, đồ bảo hộ, dây leo, cuốc nhỏ… hướng về đỉnh núi Ia Kreng (huyện Chư Păh)
Anh Đác tâm sự dọc hành trình, vì không có đất đai canh tác, từ hơn 10 năm nay, các anh lập nhóm chuyên đi rừng săn các lâm sản phụ như lan, mật ong, nấm. Thu nhập có ngày 5-6 triệu đồng nhưng cũng có hôm vất vả cả ngày vẫn về tay trắng.
Theo những người thợ rừng, vào mùa mưa (tháng 3 đến tháng 9), lan rừng và mật ong, nấm... phát triển, dễ tìm thấy. Lan rừng tùy loại bán được 300.000-1.200.000 đồng/kg.
Các loại nấm linh chi, nấm lim xanh, nấm cổ cỏ, sâm cau… cũng có giá vài triệu đồng mỗi kilogam. Mật ong rừng có giá 400.000-600.000 đồng/kg.
Anh Đắc cho biết: "Nghề săn lâm sản phụ đòi hỏi tính kiên nhẫn, chịu khó và luôn đối mặt với nguy hiểm. Cũng vì cuộc sống khó khăn, nên bà con mới chấp nhận mạo hiểm để trèo đèo, vượt suối mưu sinh".
Mùa này, anh em thợ rừng thường lên các đỉnh núi cao để tìm loài địa lan có tên Hải Vân Nam. Loại này nhìn như cây cỏ nhưng khi nở hoa lại có màu hồng rất đẹp. Lan Hải Vân Nam có giá đến 800.000-1.000.000 đồng/kg.
"Trước kia, loại lan này mọc khắp bìa rừng nhưng hiện giờ khan hiếm dần. Khi thấy lan, anh em thợ rừng thường chỉ lấy đi một nửa, còn dành lại để cây tiếp tục phát triển, lan rộng", anh Đác chia sẻ.
|
Những người thợ rừng đi hái và bán mỗi giò lan rừng từ 300 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg (Ảnh: Đác Nguyễn). |
Anh Rơ Châm Ban (40 tuổi), thành viên nhóm thợ rừng, kể thêm sinh ra và lớn lên ở nơi gần gũi với rừng già, quen từng vạt rừng, con suối, khi theo nhóm, anh tiên phong dẫn đường. Dọc hành trình, các anh có thể qua bữa với rau rừng, cá suối..., những món nuôi anh từ tấm bé.
Theo anh Ban, đi rừng sợ nhất là các loại bò sát nguy hiểm như rắn, rết, côn trùng, hoặc chạm phải những cây độc như lá ngón, cây sơn, nấm độc… Làng của anh Ban đã có nhiều người phải bỏ mạng khi đi lấy lan ở rừng sâu, vì những hiểm nguy rình rập này.
"Anh em đi rừng thường phải trèo cao, vượt suối mà không có công cụ hỗ trợ. Người thợ phải có "thần kinh thép", không sợ độ cao và sức khỏe. Rừng cho "lộc" để kiếm sống nhưng anh em cũng phải đánh cược mạng sống để mưu sinh", anh Ban nói thêm về kỹ năng đi rừng.
Ông Phạm Thành Phước - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly - cho biết người dân sống gần rừng thường lập từng nhóm nhỏ để vào rừng săn tìm lâm sản phụ. Đây cũng là một nguồn thu nhập của bà con nên Ban Quản lý thường tuyên truyền, vận động việc thu hái các loại lan, nấm vừa đủ, để tạo sự cân bằng cho sự phát triển của tài nguyên rừng.
Nhiều nhóm thợ rừng cũng đã có ý thức, chỉ lấy 1/2 số lâm sản tìm được. Số còn lại trừ lại để sinh sôi, phát triển, tránh cạn kiệt nguồn gen. Khi phát hiện các loại thực vật quý hiếm, anh em cũng báo ngay để lực lượng bảo vệ rừng có phương án bảo vệ, phát hiện.
Theo Phạm Hoàng/Dân trí