Hành trình vạn dặm tìm về người nuôi loài cá bóng đêm bí ẩn sông Đà

Google News

Loài cá chình bí ẩn đến nỗi các nhà khoa học thế giới không biết cơ chế cũng như địa điểm sinh sản của chúng.

Chúng đã được thụ tinh hơn 30 giờ, trước cả khi mặt trăng xuất hiện. Họ còn tìm thấy các ấu trùng ở độ sâu 160 m chứng tỏ chúng được đẻ ra ở độ sâu còn lớn hơn thế rồi nổi lên, nở, chu du đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Hành trình ngàn vạn dặm
Thuyền chúng tôi nhẹ trôi trên những bản làng, những ngọn cây, những mỏm đá của bao tháng ngày xưa cũ. Để xây dựng công trình thủy điện từng không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á dòng Đà Giang đã bị chặn lại, hàng trăm làng xóm phải rời đi hình thành nên một hồ chứa nước rộng 230km2, sâu hơn 100m, dung tích 9,5 tỷ m3. Mùa này nước hồ xanh lờ lờ soi bóng những rặng keo lá tràm đang trổ vàng trên khắp các sườn đồi, triền núi.
Lòng vòng chán chê trên khắp vũng vịnh, Trần Văn Vân-Giám đốc Công ty CP Quốc tế Minh Phú giục thuyền bẻ lái trở về bè. Trời giữa đông lạnh se sắt, mặt nước bốc hơi ngùn ngụt nhưng anh rủ rê…nhảy xuống hồ tắm. Chần chừ, ngần ngại mất vài giây rồi ùm một cái. Nước lạnh buốt như đá bao phủ cơ thể, đánh thức từng giác quan khiến cho đầu óc tôi chợt choàng tỉnh, bàng hoàng.
Mải miết khỏa chân, đập tay cho khỏi bị đông cứng rồi bơi xa, xa mãi đến gần giữa hồ tôi chợt buột miệng hỏi: “Từ đây vào bờ khoảng bao nhiêu mét?”. Vân cười khanh khách: “Khoảng 100 mét thôi anh nhưng mà là…theo chiều thẳng đứng”. Điều đó đồng nghĩa với chúng tôi đang bơi trên độ sâu 100m và không còn cách nào khác ngoài theo đuổi đến tận cùng để vào bờ hoặc chấp nhận chết đuối ở giữa dòng.
Nghề thủy sản đối Vân cũng như một cuộc bơi chơi trên lòng hồ, mải miết tới đích cuối cùng mà không thể dừng lại lửng lơ giữa chừng, nhất là khi bắt đầu gắn bó với loài của bóng đêm: cá chình Nhật Bản. Anh là người đầu tiên của miền Bắc nuôi thành công loại thủy sản đặc dị này và chiếc lồng bè của anh là duy nhất trong khoảng 3500 lồng bè đang neo đậu trên hồ Hòa Bình.
Tối đó tôi ngủ lại trên bè. Tiếng cá búng nước rẹt rẹt thao thức mãi không yên. Ngó ra bên ngoài một mảnh trăng thượng huyền giữa đông sáng nhờ nhờ như một mảnh cùi dừa non vắt ngang lưng đồi. Sáng thức dậy, hít thật sâu vào ngực luồng khí núi bỗng thấy người nhẹ bẫng như bông rồi lặng ngắm luồng cá đang di chuyển bên dưới.
Đàn trắm đen nặng 7-8 kg/con bơi vun vút như những quả ngư lôi. Đàn cá chình nặng 4-5 kg/con bơi uốn éo như những con trăn Nam Mỹ. Đàn chạch chấu nặng 7-8 lạng/con, cá bống nặng 2-3 kg/con bơi lừ đừ như những tảng đá, xù xì và gai góc.
Trở lại với loài cá của bóng đêm, tuy sống ở cả vùng nước ngọt lẫn nước mặn nhưng dù ở đâu khi tới thời kỳ sinh sản chúng đều từ bỏ tất cả, mải miết bơi hàng trăm, hàng ngàn dặm tới quần đảo Mariana (nam Nhật Bản và bắc New Guinea) để đẻ. Ấu trùng nở ra giữa biển được dòng hải lưu Kuroshio đưa tới ven bờ, nơi dồi dào các sinh vật phù du để vỗ béo cho những con non đang kỳ háu đói.
Bắt cá chình lên để kiểm tra. 
Ở Việt Nam dòng hải lưu đẩy chình con về các cửa biển tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa rồi ngược dòng lên sông, lên suối. Người dân vớt các bạch tử (chình non có màu rất trắng-PV) lên đem về nuôi. Chình rất sợ ánh sáng mặt trời nhưng lại thích bóng tối, thậm chí đôi khi còn rời bỏ mặt nước để lên bờ trườn bò như rắn trong những đêm không trăng, không sao. Khí hậu miền trong rất thích hợp với việc nuôi dòng cá quý tộc này hơn là miền Bắc bởi hễ gặp mùa đông là chúng ngừng ăn và rơi vào trạng thái ngủ (từ nhiệt độ 14 độ C).
Cách đây ba bốn năm cũng có mấy người nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy (Hải Dương) thử nghiệm mua chình non về nuôi nhưng khi nhiệt độ dưới lòng sông xuống 12-13 độ C, chúng ngừng ăn, ngừng lớn. Đã thế chúng còn bị stress nghiêm trọng bởi các loại tiếng ồn. Trong tự nhiên chình quen với tiếng sông, tiếng suối, tiếng thác, tiếng nghềnh nhưng khi chuyển về sông Kinh Thầy chúng bị tra tấn suốt ngày bởi tiếng máy nổ của đủ loại động cơ tàu bè qua lại.
Thất bại nặng nề khiến cho ý tưởng nuôi cá chình ở miền Bắc bị chững lại cho đến khi Vân quyết định thử nghiệm trên lòng hồ Hòa Bình với cơ sở khoa học là: “Độ sâu của lòng sông chỉ 7-10 m nên không giữ được nhiệt tốt như lòng hồ sâu cả trăm m nên ngay cả giữa mùa đông nhiệt độ ở lòng hồ Hòa Bình cũng không bao giờ xuống dưới 18 độ C, hoàn toàn thích hợp.”
Tháng 6 năm 2016 anh mua 400 chình non, mỗi con chỉ to chừng đầu ngón tay nhưng đã có giá 100.000đ để thả vào lồng. Chỉ sau một đêm ngủ dậy vì quên đậy lưới chúng đã bò đi bằng sạch. Trườn bò vốn là sở trường của chình, trong tự nhiên việc vượt qua những thác ghềnh cao 10-20m cũng chỉ là chuyện nhỏ đối với chúng.
Loài này đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Đợt động đất ở sông Tranh (tỉnh Quảng Nam) mấy năm về trước lũ cá chình khiến cho nhiều người nuôi phải phát khóc vì chỉ sau một đêm đã bò đi gần hết dù tường rào cao tới 2-3 m. Đấy là môi trường quen thuộc của chúng còn khi chuyển ra Bắc, ở môi trường mới thì không động đất chúng cũng cứ trực bò đi.
Cho cá ăn cá
Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông dài 910 km, diện tích lưu vực là 52.900 km², bắt nguồn từ núi Vô Lượng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Trong một số sách vở của ngước ngoài dòng sông này còn được gọi là sông Đen.
Mất 40 triệu tiền cá giống đổ xuống lòng hồ sông Đà cũng không làm cho Vân nản chí mà còn mua tiếp 800 con. Rút kinh nghiệm lần này lồng nuôi được rào dậu cẩn thận. Từng tập tính của loài cá nhút nhát được anh quan sát, ghi chép tỉ mỉ. Chình vốn sợ ánh sáng nên ban ngày chúng chỉ chui rúc dưới đáy đợi tối đến mới bò ra kiếm ăn. Hễ vứt chai, lọ xuống là lập tức cả lũ tranh nhau bò vào kiếm tìm bóng tối.
Để giúp chúng làm quen dần với ánh sáng Vân quyết định không cho chình ăn vào buổi tối nữa mà chuyển sang ban ngày. Thức ăn là những con tép dầu tươi vừa vớt lên từ sông Đà. Lúc đầu chỉ lác đác vài ba con thập thò bò ra ăn nhưng về sau không chịu thấu sự ngấu nghiến của cơn đói, tất cả đều ra ăn đều đặn ngày hai buổi.
Chình ngoài sợ ánh sáng còn sợ cả tiếng động. Hễ có âm thanh của các loại động cơ hay chân vịt xuồng máy là chúng bỏ ăn tới 1-2 ngày. Bởi vậy trong quá trình nuôi anh cố gắng tránh gây ra những tiếng động thậm chí còn kiêng cả nói chuyện to để chúng khỏi stress.
Vợ phải phát ghen
Quãng thời gian nuôi loài cá của bóng đêm này cũng là lúc mà vợ Vân đi nước ngoài để làm luận án tiến sĩ, bỏ lại cho chồng đứa con mới còn đỏ hỏn. Không có người giúp việc lại không muốn nhờ nội ngoại đôi bên nên cứ sáng sớm Vân chở con đến trường rồi từ Hà Nội phóng xe đi Hòa Bình thăm cá, chiều tối lại về đón con ở nhà cô giáo.
12 tháng liên tục với hành trình Hà Nội-Hòa Bình đều đặn như vậy, lúc vợ đi con chưa biết nói, chưa biết đi, lúc vợ về thì nó đã chạy ầm ầm, nói như khướu và tự ăn uống, mặc quần áo, chuẩn bị cặp túi… Trời không phụ lòng người, sau hơn 1 năm nuôi dưỡng trọng lượng trung bình của chình đạt 3-4 kg, có con lên đến 6 kg. Điều đặc biệt không có cá thể nào bị chết hay bệnh tật cả.
Để bảo vệ thương hiệu thủy sản sông Đà, Vân hợp tác với VNPT tổ chức đính tem truy xuất nguồn gốc trên từng con cá một. Đó là loại tem đặc biệt bằng vải chịu nước, chỉ cần giơ ra trước camera của smartphone có nối mạng là thấy tất những thông tin chi tiết về cơ sở nuôi chúng.
Anh trải lòng: “Những thứ công nghệ như Iphone, Samsung cái mới ra đời sẽ phủ định cái cũ, sẽ làm cho cái cũ hạ giá nhanh nhưng những vùng đất, nước, khí hậu sạch như hồ sông Đà thì trên thế giới không có nhiều. Nó là thứ hữu hạn nên sản phẩm làm ra từ đó sẽ ngày càng có giá trị. Thuận theo tự nhiên, nước sạch sẽ có cá sạch, đó là một thị trường ngách đầy lợi thế. Kinh nghiệm xương máu cho thấy nhiều kẻ vì không tính toán đến thị trường mà cứ nhắm mắt nuôi bừa đã mất cả chục, cả trăm tỉ trên lòng hồ sông Đà này rồi”.
Cũng theo Vân, thức ăn công nghiệp không có đủ sức sống nên hễ nuôi với mật độ cao là bệnh. Gà, vịt, lợn, cá công nghiệp đều dễ bị bệnh. Thói thường hễ thấy bệnh là đổ hóa chất, đổ kháng sinh xuống nhưng chỉ ngừng thì vật nuôi lại chết tiếp. Bởi vậy anh không dùng cám công nghiệp, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng hóa chất mà chỉ phòng ngừa bệnh bằng chế phẩm vi sinh trộn với tỏi, dứa, chuối.
Không chỉ nuôi cá Vân còn tổ chức các tour du lịch trang trại để khách trải nghiệm từ bơi lội, cho cá ăn, bắt cá đến lục trong kho xem có bao thức ăn công nghiệp nào không (Chỉ có cá giống, miệng nhỏ chưa vừa thức ăn tự nhiên mới phải cho ăn cám công nghiệp).
Đến bữa, anh đãi khách bằng cá rô phi kèm theo cả thức ăn của chúng là những con cá mương, tép dầu bé xíu. Lúc đầu nhiều người còn hồ nghi, ngập ngừng không muốn động đũa nhưng sau khi được động viên cũng mạnh dạn gắp để rồi ngạc nhiên, tấm tắc khen. Cách phân biệt trực quan bằng răng, bằng lưỡi này khiến một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn giúp cho rô phi anh bán ra được giá 90.000đ/kg, trắm đen 230.000đ/kg, cá chình 650.000đ/kg, chạch chấu 800.000đ/kg…
Từ thành công ban đầu Vân dự định mở rộng quy mô năm nay lên 10 lồng chình để thử nghiệm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản-nơi mà mọi người tin rằng được nếm thử thịt chúng mỗi năm một lần sẽ có nhiều may mắn. Cơ hội lớn nhưng thử thách cũng không nhỏ chờ đợi phía trước nhưng anh nào có nao núng bởi đã biết bao lần nếm trải cảm giác thất bại. Từ một kỹ sư giao thông rẽ ngang sang nuôi trồng thủy sản, thuê ao ở huyện Gia Lâm, Hà Nội rồi chịu lỗ mất 500 triệu vì càng nuôi cá càng chết bởi môi trường quá ô nhiễm. Bỏ Hà Nội về bãi sông quê ở huyện Thanh Hà, Hải Dương thuê đất nuôi, môi trường tốt, đang ăn nên làm ra thì không may dính ngay cơn lũ lịch sử 2017 thiệt hại tới hơn 2 tỉ.
Khi hợp tác với một nông dân để nuôi cá trên lòng hồ sông Đà cũng lại phải tách ra vì mỗi người một chí hướng. Ngay cả thời điểm tôi đến, anh cũng đang phải giãi bày với mẹ về chuyện suốt ngày chỉ lo cá mú mà bê trễ vợ con, về chuyện mở rộng cơ sở theo hướng quá mạo hiểm. Đối với Vân giờ đây tuy sống ở Hà Nội nhưng mọi niềm vui, nỗi buồn đều ở Hòa Bình, dưới những chiếc lồng cá bởi anh tin chắc rằng chỉ khoảng 5 năm nữa thôi, khi các thủ phủ nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc đều gặp phải vấn đề ô nhiễm môi trường thì cá sạch ở những lòng hồ như Hòa Bình chắc chắn sẽ lên ngôi.
Tại Nhật Bản, món cá chình được trân quý gọi là unagi. Hầu hết đàn ông xứ hoa đào đều mong được thưởng thức unagi ít nhất một lần mỗi năm bởi họ muốn được trẻ hóa, tăng cường sức mạnh.
Theo Dương Đình Tường /Nông nghiệp Việt Nam