Khởi nghiệp từ tiệm tạp hóa
Người tiêu dùng tín nhiệm xà bông Việt Nam, nhất là xà bông Cô Ba ngày càng nhiều. Cùng với đó, công ty của Trương Văn Bền luôn đảm bảo sản lượng luôn ổn định và đáp ứng dủ cho nhu cầu thị trường.
Ngay cả vào thời điểm thế chiến thứ 2, các nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế thì công ty này vẫn xuất xưởng 600 tấn xà bông mỗi tháng chưa kể đến 1.500 tấn dầu dừa và glycerin.
Điều này cho thấy năng lực của người đứng đầu công ty, doanh nhân Trương Văn Bền. Mặc dù đạt được những thành quả lớn lao trên thương trường như thế, ít ai biết rằng, ông là người học vấn không cao.
Ông Trương Văn Bền sinh năm 1883, tại Chợ Lớn trong một gia đình khá giả và có học thức. Thuở nhỏ, ông được hưởng nền giáo dục Hán học pha trộn với giáo dục Pháp phổ biến thời bấy giờ.
Từ năm 1896, ông bắt đầu học ở các trường Pháp École Municipale de Cholon, Collège de My Tho, Lycée Chasseloup-Laubat. Năm 1889, chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức lần đầu tiên kỳ thi cao đẳng tiểu học (Brevet élémentaire), ông ghi tên, thi đậu và được bổ nhiệm làm ký lục.
Cuộc đời làm công chức của ông Bền chỉ vỏn vẹn 2 năm. Sau đó, ông xin nghỉ, trở về theo nghiệp buôn bán của cha. Khởi nghiệp, ông có một cửa tiệm nhỏ ở 40 rue du Cambodge (bây giờ là đường Kim Biên) bán đậu phộng, đậu xanh, đường ... Sau này nơi đây trở thành trụ sở chính của công ty Trương Văn Bền và các con.
Cứ thế ông tiếp tục phát triển việc kinh doanh. Nguồn hàng ông lấy sỉ từ các nhà buôn người Hoa rồi bỏ mối lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn. Được vài năm, ông tích lũy được số vốn cần thiết để đến năm 1905, ông lao vào sản xuất.
Ông mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức, hai nhà máy xay lúa, một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm.
Cơ sở ép dầu ở Thủ Đức nhờ dùng máy ép bằng hơi do Mỹ sản xuất nên sản phẩm bán có hiệu quả hơn các cơ sở khác.
|
Ông bà Trương Văn Bền. Dư luận từng cho rằng, hình cô Ba trên hộp xà bông là hình ảnh bà Bền. |
Đến năm 1918, ông tiếp tục mở thêm một cơ sở ép dầu nữa ở Chợ Lớn. Cơ sở này sản xuất đủ loại dầu như dầu nấu ăn, dầu dừa, dầu cao su và các loại dầu dùng trong công nghiệp.
Lúc này tiếng tăm của ông Bền đã vang dội. Ông được mời tham dự và ông đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông được bầu vào Hội đồng quản hạt Nam kỳ, sau đó là nghị viên phòng Thương mại. Ông là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm phó chủ tịch Phòng Thương mại (từ 1932 - 1941).
Duyên nợ với xà bông
Thành công của ông Bền không dừng lại. Ông tiếp tục phát triển kinh doanh và sản xuất. Từ năm 1920, ông bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông mua 300 ha ruộng ở Mỹ Tho, cùng một số thân hữu hợp tác thành lập công ty canh nông Tháp Mười do ông làm tổng giám đốc với hơn 10.000 ha, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân nghèo.
Ông cũng giữ nhiều chức vụ ở Sở lúa gạo Đông Dương, Liên hiệp canh nông, ngân hàng Tín dụng Canh nông Chợ Lớn, Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Đông Dương. Năm 1941, ông thành lập hai nhà máy xay lúa sản xuất hơn 100 tấn gạo mỗi ngày.
Là người có con mắt kinh doanh tinh đời, ông Bền nhìn thấy tiềm năng từ cây dừa, một loại cây công nghiệp có nhiều ở Bến Tre, ông nghĩ ngay đến mặt hàng xà bông.
Bước đầu ông mở nhà máy chế biến tinh dầu dừa vào năm 1928. 4 năm sau, một nhà máy sản xuất xà bông từ tinh dầu dừa được thành lập mở đầu cho công cuộc làm ăn mới của ông Bền.
Thế là không lâu sau đó xà bông cô Ba - xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam ra đời. Nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp và phương thức quảng cáo độc đáo, xà bông Cô Ba đã đẩy lùi xà bông Marseille và hàng loạt mặt hàng xà bông khác.
Sau năm 1948, ông Trương Văn Bền rời Việt Nam sang Pháp, sống tại Paris. Ông trở thành hội viên của phòng thương mại Quốc tế. Ông đi chu du khắp nơi trên thế giới. Toàn bộ cơ ngơi làm ăn của ông tại Việt Nam được giao lại cho các con quản lý. Cuối đời, ông viết hồi ký và mất ở Paris (Pháp) năm 1956, thọ 73 tuổi.
Ở Việt Nam, các con ông tiếp tục sự nghiệp. Ông Trương Khắc Trí làm TGĐ Công ty xà bông Việt Nam từ 1959 tới 1965. Tiếp đến ông Trương Khắc Huệ đảm nhiệm chức vụ này cho đến 1975, bên cạnh còn có người em là ông Trương Khắc Cần, quản lý công ty.
Xà bông Việt Nam trong đó có xà bông Cô Ba do chính người Việt sản đã xuất độc chiếm thị trường trong nước và không có đối thủ trong một thời gian khá dài.
Điều này chứng tỏ năng lực của người Việt không thua kém bất cứ một dân tộc nào trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet