Hành trình lưu lạc của túi bụi Mặt Trăng 2 triệu USD

Google News

Chiếc túi bụi Mặt Trăng được Neil Amstrong sử dụng trong sứ mệnh Apollo 11 từng bị thất lạc và trải qua một vụ kiện trước khi được bán đấu giá ở New York.

Vào năm 2015, Nancy Carlson, một cư dân Chicago, đã mua chiếc túi được Neil Armstrong sử dụng trong lần thực hiện sứ mệnh đầu tiên lên Mặt Trăng với giá 995 USD.

Hôm 20/7, vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày tàu Apollo hạ cánh xuống Mặt Trăng, cô đã bán chiếc túi đựng bụi Mặt Trăng đó với giá 1,8 triệu USD trong cuộc bán đấu giá của Sotheby's tại thành phố New York.

"Gần như tất cả thiết bị từ sứ mệnh lịch sử này đều nằm trong Bộ sưu tập Quốc gia Mỹ tại Smithsonian. Đây là hiện vật duy nhất có thể thuộc sở hữu tư nhân", Sotheby's nói.

New York Times cho biết việc chiếc túi được đem ra rao bán là kết quả của nhiều sự việc lộn xộn. Sau khi Armstrong và phi hành đoàn Apollo 11 trở về vào tháng 7/1969, số phận của chiếc túi dài 30 cm đựng mẫu vật từ Mặt Trăng trở thành điều bí ẩn trong nhiều thập kỷ.

Hanh trinh luu lac cua tui bui Mat Trang 2 trieu USD
Nhân viên của nhà đấu giá Sotheby's trưng bày chiếc túi Mẫu vật Mặt Trăng từng đượcNeil Armstrong sử dụng trong sứ mệnh Apollo 11 để thu thập mẫu vật trước cuộc bán đấu giá tại New York, Mỹ, ngày 13/7. Ảnh: AFP/Getty.

Sau khi biến mất khỏi Trung tâm Vũ trụ Johnson, năm 2003, chiếc túi được phát hiện trong nhà để xe của Max Ary, quản lý bảo tàng ở Kansas. Ông này sau đó đã bị buộc tội ăn cắp các hiện vật từ viện bảo tàng.

Theo news.com.au, chiếc túi đã bị dán sai nhãn và được bán đấu giá 3 lần. Chiếc túi không được ai trả giá cho tới cuộc bán đấu giá thứ 3 vào năm 2015, khi luật sư Nancy Lee Carlson mua lại với giá 995 USD.

Cô đã gửi chiếc túi tới Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để chứng thực. Các cuộc kiểm tra cho thấy chiếc túi từng được Amstrong sử dụng và vẫn còn dấu vết bụi Mặt Trăng bên trong.

Nhận ra giá trị lớn của chiếc túi, cơ quan vũ trụ Mỹ đã quyết định giữ lại nó. Điều này đã dẫn tới một trận chiến tại tòa án. Vào tháng 2, thẩm phán đã ra lệnh cho NASA trả lại chiếc túi cho Carlson.

Trong một tuyên bố, NASA bày tỏ sự tiếc nuối đối với quyết định này. Họ cho rằng chiếc túi "không bao giờ nên được một cá nhân sở hữu" vì nó thuộc về nước Mỹ và nên được trưng bày công khai.

Hanh trinh luu lac cua tui bui Mat Trang 2 trieu USD-Hinh-2
Chiếc túi được trưng bày tại Sotheby's, New York trước khi được bán đấu giá. Ảnh: AP.

Sotheby's cho biết việc cô Carlson kiện thành công NASA để lấy lại chiếc túi đã khiến nhiều khách hàng tiềm năng chú ý. Điều này đã khiến cô quyết định bán đấu giá chiếc túi một lần nữa.

Các nhà bán đấu giá ước tính chiếc túi sẽ được mua với giá từ 2 triệu đến 4 triệu USD. Đây là hiện vật có giá trị cao nhất trong các hiện vật thuộc sứ mệnh Mặt Trăng từng được bán đấu giá.

Trong số đó có bản phác thảo của phi hành đoàn Apollo 13 được bán với giá 175.000 USD, bộ quần áo ngoài vũ trụ của phi hành gia người Mỹ Gus Grissom được bán với giá 43.550 USD và bức ảnh nổi tiếng của Buzz Aldrin do Neil Armstrong chụp từ sứ mệnh Apollo 11 được bán với giá 35.000 USD.

Nhóm chỉ trích cho rằng quyết định bán chiếc túi bụi Mặt Trăng chẳng khác nào bán một phần lịch sử chinh phục không gian của nhân loại.

"Chiếc túi thuộc về một bảo tàng để toàn thế giới có thể chia sẻ và kỷ niệm thành tựu chinh phục không gian của nhân loại mà nó thể hiện", Michelle Hanlon, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận All Moonkind, nói.

All Moonkind đang nỗ lực thuyết phục Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp bảo tồn và bảo vệ 6 địa điểm nơi Apollo đáp xuống Mặt Trăng.

Theo Tuyết Mai / Zing