Hành trình làm "sếp" đầy thăng trầm ở QCGL của Cường Đô La

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi rút khỏi mọi chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai, Cường Đô La đã có hơn 10 năm gắn bó và cùng công ty trải qua không ít sóng gió trên thương trường.

Thông tin doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (hay Cường Đô La) rúi lui mọi chức vụ (Phó Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT) tại Công ty Cp Quốc Cường Gia Lai mới đây khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi thực tế, thiếu gia nhà Quốc Cường Gia Lai đã gắn bó với công ty từ năm 2006 với chức vai trò Phó Tổng giám đốc.
Ngày 26/4/2012, ông Nguyễn Quốc Cường được bầu vào HĐQT và tái bổ nhiệm ngày 29/6/2017.
Hanh trinh lam
Cường Đô La có hơn 10 năm gắn bó với Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Vietnammoi. 
Hơn 10 năm tham gia điều hành Quốc Cường Gia Lai, Cường Đô La đã trải qua không ít thăng trầm cùng công ty trên thương trường.
Thành lập từ năm 1994 với mô hình là xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, đến 2007, doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Năm 2008, 2009, năm 2010 có lẽ là những năm thăng hoa nhất của Quốc Cường Gia Lai khi liên tục bước dài trong ngành kinh doanh chủ lực bất động sản.
Tháng 8/2010, Quốc Cường Gia Lai chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thời điểm đó, công ty thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ nắm trong tay nhiều dự án bất động sản.
Tại thời kỳ mới niêm yết năm 2010, doanh thu của công ty này đã đạt tới 717 tỷ đồng và ghi nhận 283 tỷ đồng lãi ròng. Giá trị cổ phiếu lên tới 45.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau năm đầu khởi sắc, Công ty của Cường Đô La lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng khi lợi nhuận liên tục sụt giảm. Đặc biệt, năm 2011, kết quả doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm đến hơn 44,5% còn 398 tỷ đồng. Cùng với đó là lãi vay tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, khiến công ty âm 40 tỷ đồng. Đến năm 2012, doanh thu thuần của QCGL giảm còn 224 tỷ đồng.
Sang năm 2013, doanh thu của công ty tăng vọt lên 973 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ thu về đạt 15 tỷ đồng, cao gấp đôi 2012. Dù vậy thời gian sau đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn chỉ lẹt đẹt chưa từng quay về con số trăm tỷ hồi hoàng kim lên sàn niêm yết.
Đến năm 2016, Quốc Cường Gia Lai nhận tín hiệu vui khi lãi sau thuế hơn 69 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả của năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của QCG tăng mạnh trong năm 2016 đến từ việc công ty đã chuyển nhượng đất nền dự án Hải Châu (Đà Nẵng) và bàn giao các căn hộ cho khách hàng.
Trong năm 2017, QCG đã nhận tiền tạm ứng từ Sunny Island 50 triệu USD đồng để tất toán khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng cả gốc và lãi vay với BIDV. Chính điều này đã giúp cổ phiếu QCG tạo sóng trên sàn chứng khoán vào giữa năm 2017.
Tuy nhiên, những chậm trễ trong việc bàn giao dự án Phước Kiển đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Trong 3 quý đầu năm 2018, Sunny Island đã tạm dừng rót vốn vào QCG.
Cơn "bĩ cực" tiếp tục bủa vây Quốc Cường Gia Lai khi báo cáo tài chính quý III/2018 cho thấy kết quả kinh doanh của công ty không khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế riêng quý III/2018 chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, chưa bằng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, sau 9 tháng, doanh thu Quốc Cường Gia Lai đạt 519 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 58 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 88% so với 9 tháng 2017.
Hoàng Minh (tổng hợp)