“Cá ươn đã được mối thu mua nhận hết”
Chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) từ lâu đã được coi là đầu mối cung cấp một lượng cá lớn cho người dân Thủ đô. Chợ hoạt động cả ngày, nhưng quãng thời gian từ 1h đến 5h sáng, chợ hoạt động nhộn nhịp hơn cả. 2h00 sáng ngày 4/3, theo ghi nhận của PV, từng đoàn xe chở cá tập nập cập bến. Được biết, những đoàn xe này chở cá từ các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…về bỏ mối cho các tiểu thương ở đây.
|
Cá chết được bày bán ở chợ. |
Trong vai một chủ quán ăn muốn tìm mua cá thải, loại để làm hàng, PV tiếp xúc được với một lái xe tên Kiên, quê tỉnh Bắc Ninh. Sau khi biết PV cần thu mua cá thải loại, Kiên vừa giơ con cá đã chết trương lên, lắc đầu cho biết: “Cá thải loại thì có nhiều lắm, bọn em vận chuyển sáng sớm, trời mát mà cá còn chết hàng loạt đây này. Nhưng anh là mối mới thì không có hàng mà mua đâu”. PV ngạc nhiên, hỏi lại Kiên: “Mình tưởng là cá chết nhiều vậy, có người mua thì họ bán lại, chứ cá loại như vậy cũng có mấy ai dùng đâu mà không mua được”.
Người thanh niên tiếp lời: “Anh chắc mới đến mua hàng ở đây, chứ nói thật với ông anh, ở đây cá chết còn dễ bán, còn cháy hàng hơn cả cá sống ấy. Sở dĩ nói anh không mua được, vì hàng loại này được một số mối quen nhận hết rồi, mối mới như anh khó mà có phần lắm”. Giải thích xong, Kiên mách nước: “Nếu mà giờ anh cần hàng ấy, thì cứ đợi ở đây đến tầm 4h, mấy mối kia họ đến thu gom xong thì ra nói khó với họ, xem họ có để lại cho ít nào thì để. May mắn thì được, còn không thì cũng đành chịu”.
Theo ghi nhận của PV, có một số lượng rất lớn cá chết, ngay khi mới chuyển xuống từ xe tải, thậm chí có nhiều con đã lên mùi. Sở dĩ cá mới được chuyển đến nhưng đã có những con có mùi, là do trong quá trình đánh bắt, cá gặp tổn thương, lại thiếu ôxy nên những con này sẽ chết khi vừa lên xe. Hơn nữa quãng đường vận chuyển xa nên việc cá ươn, thậm chí có mùi không lấy gì làm lạ. Thời gian càng đổ về sáng, lượng cá chết ngày càng nhiều. Lượng cá này sẽ được những tiểu thương để riêng trên những tấm manh bao đợi người đến thu mua.
Qua tìm hiểu, PV được biết, cá thải loại được những người lái xe bán lại cho thương lái với giá chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/1kg. Một tiểu thương giải thích về mức giá rẻ như cho này: “Cá ươn không bán với giá ấy, vứt lên xe, chở về nơi khác thì chỉ có vứt đi, bán rẻ ở đây, được đồng nào thì hay đồng ấy”. Sau khi thu mua, số lượng cá thải loại này sẽ được những tiểu thương ở đây bán lại cho những mối thu mua với giá 8.0000 đồng đến 10.000 đồng/1kg.
4h sáng, hai đầu mối thu mua có mặt ở chợ cá Yên Sở để tiến hành gom hàng. Những người này sử dụng chiếc xe kéo chuyên dụng để vận chuyển cá. Như đã thành thói quen, khi thấy mối mua đến lấy hàng, những tiểu thương đóng cá vào bao nilông, cân hàng sau đó trút lên xe kéo của mối mua. Công việc này được tiến hành hết sức nhanh gọn, không có tình trạng tranh hàng giữa các mối thu mua. Sau khi đã gom xong hàng, hai người thu mua đóng bao sản phẩm rồi tiếp tục di chuyển.
Trước câu hỏi, vì sao cá đã ươn nhưng vẫn được thu mua của PV, một tiểu thương không giấu diếm, cho biết: “Đây đều là những mối quen, hỏi thì họ cũng cứ bảo là mua về xay, chế biến thức ăn gia súc. Chúng tôi thấy người mua thì cũng chỉ biết bán chứ quan tâm họ làm cái gì”.
Cá thải loại dùng để làm gì?
Để biết số lượng cá thải loại này có phải chỉ đơn giản là chế biến thức ăn gia súc như lời tiểu thương trên vừa cho biết hay không, PV quyết định theo chân những người thu mua này. Cá thải loại sau khi thu mua được hai người đàn ông chạy ngược theo đường Vành Đai 3. Điểm tập kết cuối cùng theo như PV ghi nhận là khu chợ Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Chợ Dịch Vọng Hậu được coi là khu chợ buôn bán lớn, là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy và TP. Hà Nội.
|
Chợ cá làng Sở Thượng (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội). |
Cá sau khi được thu mua được hai người đàn ông giao cho một quầy hàng bán cá, do ba người phụ nữ trông coi. Sau khi nhận hàng, một người đàn bà trút cá xuống dưới nền xi măng, dùng khứu giác để đánh giá chất lượng của cá và phân loại. Số lượng lớn cá có mùi được hai người thu mua ở chợ Yên Sở để riêng ra cho hai người đàn bà khác tiến hành lọc thịt. Trên diện tích nhỏ hẹp, cá thải loại được để dồn đống, chờ lọc lấy thịt, mùi hôi nồng nặc xộc lên tận mũi, khiến ai đi qua cũng đều phải rùng mình. Thịt cá lọc xong được trút vào chiếc chậu cáu bẩn, ngập đầy máu cá, vô cùng mất vệ sinh. Bên cạnh những con cá được lọc chỉ lấy nguyên thịt, thì một số lượng cá ươn chỉ được cắt bỏ phần đầu, đánh vảy, chặt vây.
Để thu thập thêm thông tin, PV tiếp tục đóng vai một chủ tiệm cơm bình dân đang tìm nguồn cá giá rẻ. Sau khi nghe PV trình bày mục đích, người phụ nữ vừa lọc cá vừa tiếp chuyện: “Chỗ cô có loại cháu cần đấy, nhưng họ đặt hết rồi. Bọn cô gom mãi nhưng cũng chả đủ giao cho khách đây”. PV hỏi thêm: “Cá làm cơm mà họ yêu cầu lọc sạch thế này à cô?”. “Làm cơm thì ai cần lọc sạch thế này đâu, hàng bún họ mới yêu cầu thế này thôi, còn hàng cơm thì chỉ cần bỏ đầu, bỏ vây, đánh vảy như kia kìa”, người phụ nữ vừa nói vừa chỉ tay sang chậu cá đã bỏ đầu bên cạnh.
Giá của cá thải loại sau khi qua sơ chế cũng không hề rẻ. Người đàn bà này tiết lộ, với cá lọc rồi, giá dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/1kg, trong khi cá chỉ cắt bỏ đầu giá rẻ hơn nhưng cũng ở mức 13.000 - 16.000 đồng/1kg. Khi được hỏi về cách thức vận chuyển, người này thông tin thêm: “Có quán cho người làm đến tận chợ để lấy, có quán ở xa thì bọn cô lại cho người vận chuyển đến. Nếu như vận chuyển đến nơi thì mỗi lần bọn cô xin thêm 20.000 đồng tiền thuê người”.
Như vậy, qua quá trình sơ chế và bán lại cho những quán bún cá, quán cơm bình dân, mỗi ngày, người phụ nữ này cũng thu được khoản lợi nhuận không nhỏ. Có thể thấy rằng, người tiêu dùng vẫn là những người thiệt thòi hơn cả khi mà phải bỏ tiền ra mua những đồăn thức uống, nhưng chất lượng lại hoàn toàn không đảm bảo.
Qua tìm hiểu một số tiểu thương bán rau gần nơi hai người đàn ông tập kết cá ươn, PV được biết, những người ở đó dùng mũi để kiểm tra cá. Những con cá vừa mới chết, chưa lên mùi sẽ được để riêng bán lại cho những khách mua. Người này cho biết thêm, lượng cá chưa lên mùi này chỉ chiếm số lượng nhỏ, số còn lại đều là cá đã có mùi. “Bọn cô bán rau ở đây đều phải đeo khẩu trang, chứ mùi khó chịu lắm”, một người nói.
Theo Công lý xã hội