Theo đó, chuyến bay VN1262 cất cánh rời TP HCM lúc 6 giờ 40. Sau khoảng 40 phút, hành khách N.T.H. ngồi ghế số 18B có dấu hiệu chảy máu ở vết thương nên liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc. Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khoẻ của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y. Mặc dù nỗ lực sơ cứu, nhưng y sỹ vẫn không thể cầm máu cho nữ hành khách vì lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000 m, chênh lệch áp suất lớn.
|
Ảnh minh họa |
Nhận thấy tình trạng sức khoẻ của khách không thuyên giảm, tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để đưa ra phương án xử lý. Cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách.
Tại sân bay Đà Nẵng, chi nhánh Vietnam Airlines đã liên hệ với bộ phận y tế của sân bay, chuẩn bị xe cứu thương và đón hành khách N.T.H. từ trên máy bay. Do đi một mình nên hành khách đã được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ dưới sự hỗ trợ của nhân viên Vietnam Airlines.
Cùng lúc đó, hãng hàng không Vietnam Airlines đã tiến hành nạp thêm nhiên liệu tại Đà Nẵng trước khi đưa chuyến bay VN1262 tiếp tục hành trình đến Vinh theo kế hoạch. Chuyến bay cất cánh rời Đà Nẵng lúc 9 giờ. Hãng đã gửi lời xin lỗi đến hành khách trên chuyến bay và mong nhận được sự thông cảm của hành khách về trường hợp hạ cánh khẩn cấp này.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã tiến hành hoãn chuyến bay hoặc hạ cánh khẩn cấp nhiều lần đối với các trường hợp hành khách gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, cần sự trợ giúp kịp thời.
Việc hạ cánh khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách là công tác mang tính cấp thiết, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định kịp thời từ phi hành đoàn cũng như hãng bay. Việc điều hướng chuyến bay để hạ cánh khẩn cấp tốn không ít nguồn lực và chi phí của hãng cho việc sắp xếp lại chuyến bay, tra nạp nhiên liệu, phục vụ mặt đất hay bồi thường cho hành khách.
Theo D.Ngọc/Người lao động