Các hãng Vietjet, Bamboo Airways vừa mở thêm dịch vụ thu thêm từ 100.000 - 140.000 đồng/chuyến bay đối với khách muốn làm thủ tục nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều ý kiến trái chiều đã đưa ra, trong đó có câu hỏi đặt ra là tại sao lại thu phí dịch vụ của khách?
Tận thu từ sự tắc trách?
Độc giả Bùi Thị Thanh Tình, quận Gò Vấp, TP.HCM nêu ý kiến: "Tại sao lại có thể thu phí của khách, trong khi lẽ ra, đó là trách nhiệm của chính hãng bay? Hành khách đã mất số tiền không nhỏ để đi máy bay thì các hãng phải đảm bảo sự thông suốt, không trì trệ để phục vụ khách. Hiện chất lượng các dịch vụ đã không được như kỳ vọng, hành khách đã phải chật vật cho mỗi hành trình bay, vì thế các hãng phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ khách tốt hơn. Đó là trách nhiệm, chứ không phải thu phí như thế này. Tôi đánh giá đây là tận thu từ chính sự thiếu chuyên nghiệp, sự tắc trách, trì trệ của chính các hãng bay".
Chị Tình cũng đặt câu hỏi: "Thu phí như thế này thì những khách hàng ít tiền sẽ không được phục vụ bởi dịch vụ có chất lượng, trong khi lẽ ra đó cũng là quyền lợi của họ, vì họ cũng là khách của hãng bay, đã bỏ chi phí để mua vé?".
Đồng quan điểm với ý kiến trên, anh Phạm Bá Quang (Phủ Lý, Hà Nam) nói: "Mọi người đi đều phải mua vé, thậm chí có lúc vé cao hơn hẳn bình thường như những dịp lễ tết nhưng chưa khi nào thấy các hãng áp dụng dịch vụ mới này để phục vụ khách cho tương xứng. Giờ áp dụng thì lại thu phí, phân loại khách, phục vụ không đồng đều, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người. Theo tôi, hàng không hãy bỏ việc thu phí, sử dụng luôn dịch vụ này cho tất cả hành khách vì họ xứng đáng được phục vụ tốt hơn”.
Chị Đỗ Thị Nhung, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bức xúc: "Khách đi máy bay là mang lại sự phục hồi nhanh chóng cho hàng không, giúp họ sống lại sau đại dịch. Vậy mà giờ hãng bay lại đối xử kiểu này là không được. Cứ như kiểu họ làm tiền trên chính sự trì trệ của chính họ. Dường như họ chỉ mong ách tắc để có khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn vậy".
Chị Nhung viện dẫn hình ảnh nhiều gia đình, đoàn khách mệt mỏi, đẫm mồ hôi xếp hàng tại các quầy thủ tục, rồi rồng rắn chờ đến lượt kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Đó là minh chứng cho dịch vụ hàng không chưa như khách hàng kỳ vọng. Việc thay đổi chất lượng này là trách nhiệm của các hãng bay, nếu muốn phát triển bền vững.
Nhiều khách hàng khác thì lo ngại: Nếu ai cũng muốn check-in nhanh thì ai sẽ check-in chậm? Cuối cùng, tắc vẫn hoàn tắc, khách lại mất tiền vô ích.
"Người làm xong sớm vẫn phải chờ người làm sau. Máy bay cũng phải đầy khách mới cất cánh được. Như vậy, tại sao lại phải mất thêm tiền? Như thế là làm giàu cho máy bay trong khi giá vé đã đắt rồi", độc giả Văn Anh nói.
Anh Văn Anh cũng nhấn mạnh những tiêu cực có thể phát sinh, đó là các quầy check-in thông thường của các hãng sẽ cố tình làm việc thật chậm để hành khách phải chờ lâu và bắt buộc lần sau phải mua dịch vụ check-in nhanh?
Dịch vụ mới có gì lạ?
Theo khuyến cáo của các hãng bay, hành khách nên lựa chọn dịch vụ check-in nhanh, không phải xếp hàng chờ đợi. Tại quầy hỗ trợ của hãng Vietjet, khách đến đăng ký dịch vụ này phải trả 108.000 đồng. Sau khi đăng ký, khách được hướng dẫn đến khu vực ưu tiên làm thủ tục, chỉ mất vài phút để hoàn tất.
Khách có thể đăng ký dịch vụ ưu tiên làm thủ tục khi đặt vé máy bay hoặc mua bổ sung trước 3 giờ khởi hành, cho cả các chuyến bay trong nước và quốc tế. Dịch vụ này hiện chỉ áp dụng tại khu vực làm thủ tục của hãng, chưa triển khai ở các cửa an ninh, khởi hành.
Tương tự, hãng Bamboo Airways áp dụng dịch vụ trên với mức phí 100.000 cho khách bay nội địa và 140.000 đồng với chặng bay quốc tế, chưa tính thuế. Khách có thể đăng ký khi mua vé trực tuyến, ở phòng vé, đại lý, các sân bay (trừ sân bay Quy Nhơn). Thời gian đặt dịch vụ ít nhất ba tiếng trước giờ khởi hành dự kiến với chuyến bay nội địa và 4 tiếng với bay quốc tế. Đồng thời, tại cửa khởi hành, hành khách được ưu tiên ra máy bay tại lối đi ưu tiên cùng hành khách hạng thương gia, khách thẻ hội viên Bamboo Club.
Một đại diện khác là Vietravel Airlines cũng triển khai dịch vụ này với mức giá 100.000 đồng/người/chặng bay nội địa cùng những đặc quyền giống như với hai hãng bay trên.
Trong khi đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines là các hãng không triển khai riêng dịch vụ ưu tiên check-in. Thay vào đó, Vietnam Airlines có dịch vụ gia tăng là nâng hạng với mức giá từ 399.000 đồng đến gần 1,5 triệu đồng với các chặng bay nội địa và từ 1,19 triệu đồng - gần 12 triệu đồng với chặng bay quốc tế (tùy từng đường bay).
Hành khách nâng hạng vé của Vietnam Airlines ngoài ưu tiên làm thủ tục còn được hưởng tiêu chuẩn thẻ hành lý, ưu tiên chất xếp hành lý, phục vụ suất ăn, lối đi ưu tiên tại sân bay, phòng chờ hạng thương gia...
Theo Phạm Duy/VTC News