Báo cáo được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố, nói rằng sự phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng của các cơ quan chính phủ Trung Quốc và các công ty tư nhân đang góp phần làm tăng khoảng cách giới trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Gần 1/5 các quảng cáo việc làm trong các cơ quan nhà nước của Trung Quốc năm 2018 đều viết rằng "chỉ tuyển nam" hoặc "ưu tiên nam", trong khi các công ty lớn như Alibaba lại công bố các quảng cáo tuyển dụng đầy hứa hẹn cho "nữ ngoại hình đẹp"", Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Quốc, nói.
Theo CNN, tổ chức này cho biết họ đã phân tích hơn 36.000 quảng cáo việc làm. Bên cạnh Alibaba, báo cáo cũng nêu ra những quảng cáo phân biệt giới tính của các công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc, bao gồm Baidu, Huawei và Tencent.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, xem xét các quảng cáo việc làm của Alibaba cho thấy "công ty có sự phân biệt đối xử về giới tính, quảng cáo công khai ưu tiên nam giới nộp đơn, còn sử dụng ngoại hình của nữ nhân viên để thu hút nam giới nộp đơn, hoặc nhấn mạnh chỉ nam giới mới là những nhân viên năng suất cao".
Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nói rằng chính sách tuyển dụng của họ "có hướng dẫn và xác định rõ ràng về cơ hội bình đẳng bất kể giới tính" và "hãng sẽ tiến hành đánh giá chặt chẽ hơn các quảng cáo tuyển dụng để đảm bảo tuân thủ chính sách của công ty".
Công ty cho rằng Alibaba là một trong những "minh họa thực tiễn tốt nhất của ngành CNTT khi nói về bình đẳng giới", và nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm 1/3 các vị trí quản lý của công ty.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng chú ý đến các bài đăng tuyển dụng của Tencent, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc.
Họ trích dẫn một bài đăng truyền trên mạng thông xã hội hồi tháng 10/2016 của Tencent, nói về hội chợ tuyển dụng của công ty tại Mỹ, trong đó có lời trích dẫn của một nhân viên rằng: "Lý do tôi gia nhập Tencent là vì những nữ nhân viên phòng nhân sự phỏng vấn tôi hôm đó rất đẹp".
Một phát ngôn viên của Tencent cho biết các trường hợp mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề cập "rõ ràng không phản ánh giá trị của chúng tôi".
"Chúng tôi đã điều tra những sự cố này và ngay lập tức có sự thay đổi", đại diện Tencent nói. "Chúng tôi xin lỗi vì điều đó và chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng để đảm bảo không xảy ra lần nữa".
Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, bị chỉ trích vì một số quảng cáo tuyển dụng, bao gồm một video được đăng trên tài khoản truyền thông xã hội Baidu vào tháng 9/2016, trong đó một nam nhân viên nói rằng một trong những lý do khiến anh "rất hạnh phúc mỗi ngày" là vì anh có thể "làm việc với những cô gái xinh đẹp".
Báo cáo cũng đề cập đến quảng cáo việc làm hồi tháng 3/2017, trong đó Baidu miêu tả các ứng viên "nên làm nam" và "có khả năng làm việc dưới áp lực lớn, có thể làm việc vào cuối tuần, ngày lễ và ca đêm".
Một phát ngôn viên của Baidu cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao công việc quan trọng mà các nhân viên nữ của chúng tôi thực hiện trên toàn tổ chức và rất tiếc về những trường hợp tuyển dụng không phù hợp với giá trị của Baidu".
Công ty đã xác định và xóa các thông tin tuyển dụng vi phạm nguyên tắc. "Những trường hợp cá biệt không phản ánh quan điểm bất bình đẳng giới tại nơi làm việc của chúng tôi". Baidu cho biết 45% nhân viên của công ty là phụ nữ và tỷ lệ này "cũng tương đương ở các vị trí trung và cao cấp".
Theo báo cáo, Huawei đã đăng một thông điệp trên phương tiện truyền thông xã hội về một hội chợ việc làm năm 2015 là: "Bạn có muốn tăng lương nhanh hơn mức tăng của giá nhà đất, kết hôn với một cô gái giàu có, xinh đẹp và bước vào đỉnh cao của cuộc đời bạn?"
Một bài đăng vào tháng 12/2013 khuyến khích các ứng viên tiềm năng đi tham quan khuôn viên của công ty, viết rằng: "Dù cảnh quan khuôn viên Huawei đẹp như thế nào, thì những cô gái xinh đẹp vẫn luôn là trên hết".
Huawei, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nói rằng "tôn trọng bình đẳng giới là một chính sách của công ty".
"Chúng tôi sẽ xem xét các cáo buộc chúng tôi trong báo cáo và cũng đảm bảo tất cả các tài liệu tuyển dụng công khai, hoàn toàn bình đẳng giới", một phát ngôn viên của Huawei cho biết.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết khung pháp lý hiện tại ở Trung Quốc không xét đến các quảng cáo tuyển dụng phân biệt giới tính.
"Mặc dù luật pháp Trung Quốc cấm phân biệt giới tính trong việc tuyển dụng và phân biệt giới tính trong quảng cáo, song luật thiếu định nghĩa rõ ràng về những gì cấu thành quan điểm phân biệt đối xử giới và cung cấp một số cơ chế thực thi hiệu quả. Kết quả là, mức độ thực thi thấp và chính quyền Trung Quốc hiếm khi chủ động điều tra các công ty vi phạm các luật liên quan".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện một loạt các thay đổi để cải thiện tình hình, bao gồm luật chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc một cách toàn diện. Họ cũng thúc giục các công ty "áp dụng và thực thi chính sách cấm tất cả các hình thức quảng cáo phân biệt đối xử dựa trên giới tính".
Theo VnReview