Dự án xây dựng ao nuôi tôm lót bạt tập trung của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được đầu tư 8,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện, với 38 ao nuôi. Dự án hoàn thành vào tháng 10 năm ngoái, với kỳ vọng tạo sức bật mới cho nghề nuôi tôm của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay các hộ nuôi tôm vẫn chưa dám tiếp cận khai thác vì nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Can, người có kinh nghiệm nuôi tôm 5 năm ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều ao nuôi xây dựng xong một thời gian dài nhưng chưa có ai đến nuôi tôm. Theo ông Can cũng như nhiều hộ nuôi tôm ở xã Duy Vinh thì điều kiện kỹ thuật ao nuôi, môi trường, nguồn nước tại khu vực nuôi tập trung thích hợp cho việc thả nuôi tôm lót bạt, nhưng giá đấu thầu cho thuê 20 triệu đồng/ao là quá cao.
|
Hàng chục ao nuôi tôm như thế này đang bị bỏ hoang.
|
“Ở đây mọi người sợ vì thứ nhất tiền đấu thầu cao, nên chưa đấu được. Ví dụ người dân nào họ có điều kiện kinh tế cao thì mới theo đấu thầu được, chứ còn thấp họ không theo được. Bởi vì đấu một hồ nuôi tôm ở đây, thì cải tạo lại để nuôi tôm cũng cần mất thêm khoảng 300 triệu mới thả giống được, nên đầu tư cao lắm.”, ông Nguyễn Can chia sẻ.
Tại xã Duy Vinh, nhiều người “phất” lên nhờ nuôi tôm nhưng cũng có nhiều người “trắng tay” vì tôm. Bởi vậy, Dự án nuôi tôm lót bạt khá mới mẻ nên nhiều bà con dè dặt chưa dám đầu tư. Ông Trần Văn Sành, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, hàng chục ao nuôi tôm tại xã Duy Vinh bị bỏ hoang, đường giao thông bị sụt lún, cây mai dương mọc um tùm.
“Đối với địa phương thì dân họ quen nuôi tôm thấp triều, nuôi ô ngầm. Nuôi tôm trên bạt này có nhược điểm là mình ở vùng lũ. Mỗi năm 2,3 cơn lũ sẽ phá vỡ. Khi lũ tràn lên, hệ thống bạt sẽ hư hỏng. Mỗi năm phải thay bạt thì sẽ tốn tiền nhiều. Đây là nhược sau này mình mới thấy, còn ban đầu thì thấy cũng phấn khởi làm dự án này phù hợp.”, ông Trần Văn Sành nói.
Dự án nuôi tôm lót bạt là dự án nuôi tôm nước lợ đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam trên tổng diện tích khoảng 11,9 ha, với 38 ao nuôi đầu tư đồng bộ hạ tầng như điện, đường, hệ thống cung cấp nước nuôi tôm và thoát nước thải tại hai xã Duy Phước và Duy Vinh. Tháng 10 năm 2017, công trình hoàn thành thì gặp trận lũ vào đầu tháng 11 khiến hệ thống bờ bao bị phá nát, đáy hồ bị bùn cát lắng đọng.
|
Hệ thống máy bơm nước bị hoen rỉ.
|
Theo ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân nuôi trồng theo hướng công nghiệp, giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, phát triển sản xuất hàng hóa, phục vụ xuất khẩu.
Do chi phí đầu tư lớn nên Lãnh đạo huyện đưa ra mức cho thuê 10.000 đồng/m2/năm, thu hồi sớm vốn đầu tư trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, người dân cho rằng mức giá này quá cao, vì vậy dự án đã bị bỏ hoang từ năm ngoái đến năm nay.
Ông Văn Bá Năm cho biết, hiện tại, huyện giảm giá cho thuê xuống còn 6.500/m2 và tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.
“Đây là hướng phải đi. Tất nhiên ban đầu có khó khăn. Khó khăn về vốn đầu tư, mà khó khăn quan trọng hơn nữa là thay đổi nhận thức của nhân dân từ tự phát qua nuôi công nghiệp. Cho nên giải pháp là giao cho dân. Và ngành kỹ thuật của huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật ở đây cho đảm bảo về hiệu quả. Mà khi đảm bảo hiệu quả thì chắc chắn năm tới họ sẽ nhận hết thôi.”, ông Văn Bá Năm nói.
Theo Hoài Nam-Phương Cúc/VOV- Miền Trung