Ngồi trò chuyện với ông Dũng trong căn biệt thự khang trang mới được vợ chồng ông xây dựng xong, tôi không khỏi ngỡ ngàng và mừng cho vợ chồng ông. Biệt thự to nhất, nhì làng của vợ chồng ông là thành quả sau nhiều năm cần cù, chăm chỉ lao động tích cóp được.
|
|
Ông Dũng cho biết, ngôi nhà của ông 2 sàn rộng cỡ hơn 400 m2, tổng kinh phí xây dựng 2,8 tỷ đồng, riêng tiền công thợ hết 400 triệu đồng.
"Tôi cũng có "tham vọng" để đến đời con, cháu không phải đập đi xây lại nên tôi cố gắng xây kiên cố" - ông Dũng chia sẻ.
Cách đây hơn 20 năm về trước ông Dũng chẳng dám nghĩ, một ngày sẽ làm chủ "chiếc" biệt thự rộng rãi, khang trang, hiện đại, bởi, quanh năm vợ chồng ông cặm cụi "bán mặt cho đất , bán lưng cho giời" trồng cấy cây lúa, củ khoai, đi làm thuê làm mướn.
|
Ao cá chình rộng hàng nghìn mét vuông mỗi năm đều có cá thu hoạch, giúp ông Dũng thu gần tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Điều đó khiến ông trăn trở, nếu chỉ cấy lúa chẳng bao giờ cuộc sống thay đổi khá lên được. Đầu những năm 2006, ông Dũng "đánh liều" đấu thầu 1 mẫu đất triều trũng. Đây là vùng đất mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, vì chất đất chua, nước ngập sâu nên canh tác rất khó khăn. Ông quyết tâm "đánh bạc" với đất để mong có sự đổi đời.
|
Ông Dũng điều chỉnh máy bơm nước vào ao. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Sau khi vay được hơn 50 triệu đồng từ ngân hàng và người thân, ông Dũng bắt tay vào đào ao. Do là vùng đất trũng nhiều bùn lầy nên cứ đắp đến đâu là bờ bị sạt đến đó, phải mất 1 tháng sau, mô hình VAC rộng 1 mẫu mới hoàn thành.
"Lúc đó thợ thấy tôi mặc quần áo cũ kỹ, nón mê đội đầu, sợ tôi không có tiền trả công nên cứ làm xong ngày nào đòi tiền công ngày đó. Chắc họ sợ tôi không có tiền trả"- ông Dũng cười cho hay.
|
Máy bơm nước vào ao nuôi cá chình. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Đào xong ao, ông Dũng bắt tay vào nuôi tôm càng xanh. Ban đầu ý tưởng này bị gia đình ngăn cản vì ông chưa có kinh nghiệm nuôi, đầu ra cũng chưa biết thế nào. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can, ông Dũng quyết định đầu tư hơn 10 triệu đồng để đặt mua 2 vạn tôm giống từ miền Nam gửi ra.
Sau 3 tháng nuôi, tôm phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, giá bán khi ấy khá cao. Ông dự tính nếu bán hết lứa tôm sẽ lãi trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm đó gặp trận rét đậm nên tôm bị chết sạch. Gần 100 triệu đồng đầu tư vào giống và thức ăn cùng công sức bao ngày đổi lại bằng một sân phơi đỏ màu tôm chết.
|
Ông Dũng đang vệ sinh lại máy tạo ô xy cho cá chình. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Không nản chí, ông nhanh chóng tìm ra những nguyên nhân dẫn đến thất bại để rút ra bài học. Ông Dũng còn tìm hiểu thêm cách nuôi tôm trên sách, báo chí và đi tham quan những mô hình nuôi tôm ở địa phương khác để áp dụng. Bên cạnh đó, ông tập trung cải tạo ao, xử lý môi trường nước theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nhờ kiên trì học hỏi nên vụ nuôi thứ 2, ông Dũng thu được hơn 1 tấn tôm càng xanh, thu lãi 100 triệu đồng.
|
Ông Dũng bên ao cá chình rộng hàng nghìn mét vuông. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Có tiền đến đâu, ông Dũng đầu tư kè bờ ao bằng bê tông, xây dựng hệ thống cấp thoát nước và mua thêm 1 mẫu ruộng để mở rộng mô hình nuôi tôm.
Nhờ tận dụng được thức ăn tươi từ các loại cá, ốc trong ao giúp ông Dũng giảm được chi phí thức ăn cho tôm. Sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng khoảng 40-50 gam/con thì được xuất bán. Hồi đó, giá bán từ 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông Dũng thu lãi trên dưới 200 triệu đồng.
Nuôi con không ai nuôi, mỗi năm lãi trên dưới nửa tỷ đồng
Được mấy năm, do người dân nuôi nhiều, đầu ra cho con tôm càng xanh gặp khó khăn, cộng với đó nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng nên tôm hay bị bệnh, tỷ lệ sống thấp. Lúc này, ông Dũng đã nghĩ đến việc tìm con vật nuôi nào để thay thế con tôm càng xanh.
Tình cờ ông Dũng có xem một chương trình về mô hình nuôi cá chình trên truyền hình. Ông thấy loại cá trên có thể nuôi được ở trong ao của gia đình nên ông tìm hiểu về đặc tính, kỹ thuật nuôi loại cá này. Tuy nhiên, lúc đó ở miền Bắc cũng ít người nuôi và ở Hải Dương quê ông cũng chưa có người nuôi nên không biết tìm mua con giống ở đâu.
Mãi đầu năm 2012, trong một lần đi mua tôm giống ở TP Hải Phòng, chủ đại lý ở đó đã giới thiệu cho ông Dũng về giống cá chình. Ban đầu ông nuôi thử 500 con. Thức ăn cho cá, ông thu mua cá lẹp, cá lành canh để làm nguồn thức ăn cho cá chình.
Để kiểm soát được lượng thức ăn, ông cho cá lẹp vào từng khay và để tủ cấp đông đóng đá. Như vậy, thức ăn sẽ nổi trên mặt nước, cá ăn đến đâu hết đến đó, vừa tránh lãng phí vừa bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, mỗi tháng ông xử lý nước ao một lần để hạn chế các mầm bệnh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá.
Theo ông Dũng cho biết, cá chình phải nuôi trong 3 năm, vì vậy người nuôi phải có từ 2 – 3 ao, để nuôi gối. Có như vậy, năm nào cũng có nguồn thu.
|
Các loại cá nhỏ ngoài tự nhiên được vợ chồng ông Dũng mua về làm thức ăn cho cá chình. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Nhờ nắm bắt được quy trình chăm sóc và phòng bệnh nên lứa cá đầu ông nuôi cho năng suất khá cao. Sau 2 năm nuôi, cá chình đạt trọng lượng từ 2-2,5 kg/con. Với giá bán từ 400.000 - 450.000 đồng/kg, ông Dũng thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Do được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên giá cá chình của gia đình ông cao hơn cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp từ 50 nghìn đồng – 80 nghìn đồng/kg. Hiệu quả kinh tế cao, ông Dũng chuyển toàn bộ diện tích ao nuôi tôm càng xanh còn lại sang nuôi loại cá này.
|
Ông Dũng nói về thức ăn cho cá chình là nguồn cá nhỏ ngoài tự nhiên được mua về cấp đông cho ăn dần. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Đến nay, 2 ao nuôi cá chình với tổng diện tích trên 7.000 m2, nhờ áp dụng việc nuôi gối nên năm nào ông cũng có cá để thu hoạch. Mỗi năm, doanh thu từ cá ước đạt từ 800 triệu – 1 tỷ đồng, trừ chi phí, còn lãi từ 400 - 500 triệu đồng.
Dẫn tôi ra thăm trang trại nuôi cá chình ven làng, cơ ngơi được ông đầu tư khá nhiều, đổ đường bê tông ra tận trang trại, 2 ao đều được ông kè bằng các tấm bê tông và có hệ thống thoát nước để phòng mùa mưa bão gây ngập úng.
|
Phút thư giãn của ông Dũng sau khi chăm sóc ao cá chình. Ảnh: Nguyễn Việt.
|
Ông Dũng chia sẻ, mấy năm dịch bệnh Covid, cá không tiêu thụ được, còn bị tư thương ép giá nên nguồn thu cũng giảm đáng kể. Năm 2022 giá cá đã trở lại như những năm trước dịch nên nguồn thu cũng ổn định trở lại. "Năm vừa rồi doanh thu của gia đình ông được 800 triệu đồng. Hiện dưới ao còn một nửa số cá nữa nuôi để bán trong năm nay. Ít ngày nữa, tôi sẽ nhập cá giống từ trong Nam ra nuôi ở ao nhỏ để gối luôn"- ông Dũng nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, ông Dũng tâm sự, khi nắm vững kỹ thuật nuôi cá chình thì quá trình nuôi, chăm sóc lại nhàn tênh. Đặc điểm cá này, mấy ngày mới phải cho ăn một lần. Mỗi lần ăn cũng không đáng kể. Chủ yếu theo dõi, bơm sục nước để tạo ô xi. "Vì nuôi cá này nhàn nên vợ chồng tôi có thời gian làm nhiều việc khác như thu mua phế liệu, bán đồ ăn sáng cho học sinh, bà con đi chợ để có thêm nguồn thu chi tiêu hàng ngày, hàng tháng"- ông Dũng hồ hởi.
Clip: Ông nông dân ở Hải Dương nuôi con cá không ai nuôi, chăm sóc nhàn tênh, mỗi năm lãi nửa tỷ đồng. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Nhận xét về mô hình nuôi cá chình của ông Dũng, ông Bùi Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành cho biết: "Qua nhiều năm theo dõi, tôi đánh giá cao về ông Nguyễn Tiến Dũng ở chỗ ông là người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn trong việc tìm tòi hướng phát triển kinh tế. Và mô hình nuôi con đặc sản có giá trị kinh tế cao của ông Dũng rất hiệu quả, góp phần giúp kinh tế của gia đình ông ngày càng khá giả".
Theo Nguyễn Việt/Dân Việt