Nội dung công văn yêu cầu các doanh nghiệp taxi trên địa bàn tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ phản đối Grab và Uber. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện và để tái diễn, Sở GTVT TP. Hà Nội sẽ xem xét hình thức xử lý kỷ luật.
|
Taxi dán khẩu hiệu phản đối tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công. |
Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp taxi tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe và không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Cơ quan này cũng cho biết đã nhận được phản ánh về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh taxi dán biểu ngữ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đã tiến hành dán khẩu hiệu phản đối. Các khẩu hiệu được dán của taxi Hà Nội có nội dung như: “Phản đối Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải”, “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”, “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”…
|
Giới luật sư thì cho rằng các doanh nghiệp taxi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Ảnh: Hiếu Công. |
Trước Hà Nội, ngày 9/10, Thành ủy, UBND TP.HCM cũng đã có cuộc họp về việc taxi dán khẩu hiệu phản đối trên địa bàn. Chính quyền TP.HCM đánh giá hành động của các doanh nghiệp taxi là "không hay", hình ảnh phản cảm.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thành phố đã chỉ đạo các xe có gắn các khẩu hiệu phản đối phải nhanh chóng gỡ bỏ.
Đáng chú ý, lãnh đạo các doanh nghiệp taxi có xe dán khẩu hiệu phản đối, cho rằng việc dán khẩu hiệu là hành động tự phát của tài xế. Trong khi đó, các tài xế lại cho biết chính các hãng taxi có chủ trương này.
Việc các hãng taxi dán khẩu hiệu phản đối này đã gây ra làn sóng phản ứng của chính khách hàng. Nhiều người cho rằng đó là hành động không phù hợp. Giới luật sư thì cho rằng các doanh nghiệp taxi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Hiếu Công/Zing