Đoàn giám sát của Quốc hội vừa gửi các đại biểu kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015-2023.
Nguồn cung hạn chế, giá nhà tăng vọt
Theo báo cáo, trong giai đoạn này thị trường bất động sản đã từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai với quy mô sử dụng đất khoảng 11.191ha.
Tuy nhiên, trong năm 2022 và 2023, thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2015-2021 được bộc lộ dưới áp lực của dịch Covid-19, dẫn đến nguồn cung hạn chế so với trước.
|
Từ năm 2022, giá chung cư ở Hà Nội và TPHCM tăng vọt so với thu nhập của đa số người dân. Ảnh: NK |
Từ giai đoạn 2022-2023, giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại Hà Nội và TPHCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy phân khúc căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp chiếm đa số. Năm 2022, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng rất cao, còn tại TPHCM lượng giao dịch bất động sản giảm sút mạnh, giá tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị.
Đặc biệt, giai đoạn này có số lượng lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ. Trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn, gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn và làm tăng giá bán.
Báo cáo cũng nêu rõ số lượng lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ. Cụ thể, tại Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc, đã xử lý 158, tiếp tục xử lý đối với 246 dự án. Còn tại TPHCM có 220 dự án vướng mắc.
Trong khoảng 3 năm gần đây, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, không có dự án mới được phê duyệt đầu tư. Sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là dự án đã phê duyệt từ giai đoạn trước.
Giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập người hưởng thụ
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2015-2023 có khoảng 800 dự án đã triển khai với quy mô hơn 567 nghìn căn. Trong đó, 373 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 193 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô hơn 114 nghìn căn; 298 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 258 nghìn căn.
“Nhìn chung, chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 còn thiếu tính ổn định. Một số quy định quan trọng, cần thiết để phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm, hướng dẫn cụ thể, làm rõ gây khó khăn cho địa phương”, báo cáo của Quốc hội nêu rõ.
Trong giai đoạn trên, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ hoàn thành phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào quỹ 20% trong dự án nhà ở thương mại.
Công tác xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, thẩm định giá nhà ở xã hội thường xuyên kéo dài so với thời hạn quy định, ảnh hưởng lớn đến chu kỳ đầu tư, thu hồi vốn, trả lãi ngân hàng của chủ đầu tư và sự tiếp cận nhà ở xã hội của người dân.
“Giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, quy trình, thủ tục cho vay còn phức tạp, trùng lặp; mức cho vay tối đa với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp”, báo cáo của Quốc hội nêu.
Cần đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có cơ chế xử lý dứt điểm dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, giải phóng nguồn lực cho thị trường, tạo động lực phát triển KT-XH.
Chính phủ và các bộ ngành cần ngăn chặn tình trạng thị trường ‘phát triển nóng’ hoặc ‘đóng băng’, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế, gây hệ lụy về mặt xã hội.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu; cần tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập người dân.
Chính phủ và các bộ ngành cần có biện pháp căn cơ, bền vững để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại,
Theo Quang Phong/Vietnamnet