Chỉ sang hàng thịt lợn ngay bên cạnh sạp rau của mình, chị Luận bán rau ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng nay (11/9) cho biết, thịt mông sấn hơn 100.000 đồng/kg, hành lá, mùi tàu và rau mùi nay giá cũng ngang như vậy.
Ngày thường, những loại rau gia vị này chị không bán theo cân, khách mua 5.000-10.000 đồng chị “bốc ước chừng”, vì giá chỉ 40.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại. Nhưng nay mặt hàng nào cũng đắt đỏ, đặc biệt là rau ăn lá nên khách hỏi mua 5.000 đồng cả hành và mùi tàu thì không biết bốc bán cho khách như nào cho hợp.
“Gió bão to, rau xanh dập nát hỏng hết cả. Những ngày này còn mưa lớn, đồng ruộng lại chìm sâu dưới nước nên rau ăn lá rất khan hiếm, có loại giá tăng gấp 2-3 lần”, chị Luận nói.
Cụ thể, rau muống từ 10.000 đồng/mớ nay tăng lên 22.000 đồng/mớ, mồng tơi tăng lên 17.000 đồng/mớ trong khi ngày thường chỉ 5.000-6.000 đồng, rau ngót 15.000 đồng/mớ, cải ngọt và cải chíp giá 35.000 đồng/kg, tức tăng 10.000 đồng/kg…
|
Các loại rau ở chợ Hà Nội tăng giá mạnh sau bão Yagi. |
Tại các sạp hàng, rau ăn lá không có nhiều, chủ yếu là các loại rau ăn củ, quả. Tuy nhiên, giá các loại rau này cũng tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg. Đơn cử, dưa chuột tăng 15.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg; củ cải trắng có giá 35.000 đồng/kg; bắp cải giá 30.000 đồng/kg; khoai tây 40.000 đồng/kg; bí đao tăng gấp đôi lên 35.000 đồng/kg; cà chua giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…
Tại chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sáng 11/9, các mặt hàng rau xanh cũng tăng mạnh. Trong đó, rau muống, mồng tơi đắt gấp đôi so với thời điểm trước bão số 3, lên mức 15.000 đồng/mớ, rau ngót 20.000 đồng/mớ, cải thảo 35.000 đồng/kg…
Tiểu thương tại chợ này cho biết, rau xanh ăn lá loại nào cũng khan hiếm. Hiện nay mưa lũ khắp nơi, dự báo giá còn tăng mạnh hơn nữa vì mưa ngập kéo dài, rau màu sẽ thối hỏng hết. Nhiều loại rau mới hơn 7 giờ sáng đã “cháy hàng”. Những mớ rau bị dập hỏng nhẹ ngày thường thì vứt bỏ, nay cũng được khách mua “sạch bách”.
Ngoài mặt hàng rau, thịt lợn ở chợ giá cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, lên 110.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại.
“Hai ngày hôm trước còn không có thịt để bán. Nay nguồn thịt có nhiều hơn nhưng vận chuyển khó khăn do mưa ngập khắp nơi nên giá cũng được điều chỉnh tăng hơn ngày thường”, tiểu thương tại chợ Đại Từ chia sẻ thêm.
Siêu thị vận chuyển gấp rau xanh từ Nam ra Bắc
Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung rau vẫn ổn định, giá gần như không tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi mưa lũ, chuỗi cung ứng rau xanh ở các tỉnh phía Bắc bị đứt gãy, các hệ thống siêu thị phải vận chuyển hàng từ trong Nam ra bổ sung gấp, tránh tình trạng khan hiếm giá tăng.
Đại diện WinEco cho biết, 4 nông trại của doanh nghiệp này tại miền Bắc - nơi cung cấp 80% sản lượng rau, củ cho Winmart - bị thiệt hại nặng sau bão số 3. Ngày 8/9, WinEco đã ngay lập tức triển khai kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra miền Bắc, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt rau củ do thiên tai.
Để cung cấp nông sản kịp thời đến tận tay người tiêu dùng, WinEco huy động mọi nguồn lực vận chuyển nông sản từ các nông trường phía Nam, đảm bảo nguồn cung cấp rau củ quả sạch, an toàn cho hệ thống siêu thị WinMart ở các tỉnh miền Bắc, hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do thiên tai.
|
Rau xanh được các hệ thống siêu thị vận chuyển gấp từ trong Nam, Lâm Đồng ra Hà Nội để tránh tình trạng khan hàng, giá tăng. |
Vài ngày trở lại đây, mỗi ngày có gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc, bù đắp sự thiếu các loại rau như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng. Nhờ đó, giúp giữ giá các mặt hàng rau xanh ổn định, không tăng, đại diện WinEco cho hay.
Ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam cũng đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt (Lâm Đồng) giao hàng cho miền Trung và miền Bắc ngày thường chỉ chở 40 tấn/chuyến, nay tăng lên. Tính đến ngày 9/9, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc, với khoảng 150 tấn rau củ quả các loại.
Còn về giá bán, đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định, vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão. Hệ thống siêu thị này không tăng giá bán, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt.
Ngoài ra, ở siêu thị GO!, Big C, Tops Market áp dụng chương trình đồng hành cùng nông dân Đắk Lắk bán bí đỏ với giá không lợi nhuận chỉ 7.900 đồng/kg, giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Các nông sản này cũng được vận chuyển ra miền Bắc và bày bán tại các hệ thống siêu thị của Central Retail Việt Nam.
Tại MM Mega Market, thông thường nông sản từ Lâm Đồng ra Hà Nội khoảng 12-15 tấn mỗi tuần, nay tăng lên 3 chuyến xe với 40 tấn để đủ cung ứng cho các siêu thị ở Thủ đô.
Báo cáo nhanh của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đến trưa 10/9, bão số 3 làm ngập úng, hư hỏng nặng khoảng 25.600 ha hoa màu. Ngoài ra, còn hơn 11.000 ha cây ăn quả bị hư hại.
Cơn bão này cũng khiến hơn 1.100 con gia súc và gần 679.000 con gia cầm bị chết. Trong đó, Hải Dương và Hải Phòng là hai địa phương chịu thiệt hại lớn nhất, với số lượng gia cầm bị chết lần lượt là 320.000 và 345.610 con.
Theo Tâm An/ Vietnamnet