Câu chuyện người dân gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 nước cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội trong cuộc họp báo mới đây, tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) hoài nghi liệu Nhà máy nước mặt Sông Đuống có được Hà Nội ưu ái quá hay không?
Từ năm 2013, cuộc đua nhà máy nước sinh hoạt đã được mở ra khi có quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Và cho tới nay, cuộc chơi lớn kinh doanh nước sạch thì từ nước mặt sông Đuống, sông Đà, sông Hồng gần như nằm trong tay các tập đoàn tư nhân, Nhà nước chỉ chiếm cổ phần rất nhỏ.
Theo ông Thịnh, về nguyên tắc, cung cấp nước sạch là dịch vụ công, Nhà nước giữ vai trò quản lý, ra đề bài về lượng nước, chất lượng, thời gian cung cấp đến giá thành, nhà đầu tư nào đáp ứng được thì tham gia.
Tuy nhiên, vị chuyên gia không thấy những nguyên tắc trên được thực hiện đúng trong trường hợp nước sạch Sông Đuống.
Theo đó, khi Hà Nội mời Tập đoàn AquaOne đầu tư, TP đã chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy Sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP Hà Nội đang áp dụng, thậm chí còn cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch.
Ngoài ra, Hà Nội còn chấp thuận lấy ngân sách cấp bù giá cho doanh nghiệp.
|
Người dân nhiều chung cư ở Hà Nội xếp hàng lấy nước sạch từ xe téc sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải. Ảnh: SGGP |
"Giá thành một m3 nước bao gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí bảo trì bảo dưỡng máy móc, thiết bị, chi phí nhân công, chi phí quản lý nhà máy... và cả những chi phí khác phát sinh. Những chi phí ấy phải được công khai, minh bạch, mà trước hết là phải công khai chi phí xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng bao nhiêu, đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng bể lắng, bể lọc, đường ống dẫn nước mặt từ ngoài sông vào bao nhiêu, nước từ nhà máy sản xuất đến đơn vị phân phối là bao nhiêu..., Đó là những yếu tố phải được tính toán cụ thể.
Như đã nói, cấp nước sạch là dịch vụ công, do đó phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng, thời gian và có giá thành hợp lý, không thể để kệ doanh nghiệp muốn tính thế nào thì tính.
Hơn nữa, Hà Nội đồng ý cấp bù giá cho doanh nghiệp, vấn đề là tiền ngân sách chính là tiền thuế của dân. Không thể bắt dân phải gánh thay được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Một điểm khác khiến vị chuyên gia phải đặt dấu hỏi về việc có hay không sự ưu ái với Nhà máy nước mặt Sông Đuống, đó là từ cuối tháng 10, truyền thông đã dẫn thông tin từ Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu Nhà máy nước mặt Sông Đuống, trong khi đó nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng mạng lưới cung cấp nước của Nhà máy Sông Đuống rất nhanh chóng, xuống tận khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La ở quận Hà Đông (Hà Nội).
"Điều này cho thấy sự chưa tôn trọng quy trình, chưa tôn trọng việc đảm bảo an toàn của nhà máy cũng như coi thường sinh mệnh người tiêu dùng", ông Thịnh nhận xét và đề nghị, tất cả những vấn đề trên cần được kiểm tra, kiểm toán một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.
"Đã là cơ chế thị trường thị người dân chỉ chấp nhận mức giá hợp lý. Nếu Nhà máy Sông Đuống chứng minh được mức giá của mình là công khai, minh bạch, chuẩn xác thì người dân sẵn sàng chấp nhận", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Từ câu chuyện nước sạch Sông Đuống, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh một lần nữa khẳng định, ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc cung cấp nước sạch và một số hàng hóa công khác như điện, đường,... có thể thực hiện bằng hình thức xã hội hóa hoặc tư nhân hóa, thông qua các công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, vì đây là dịch vụ công, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, an ninh chính trị, xã hội, sinh mạng của người dân nên việc chính quyền nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ cả về mặt khối lượng, chất lượng, thời gian cung cấp và giá thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt này, không để doanh nghiệp tự quyết.
Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời UBND TP Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Về việc định giá nước, theo Bộ Tài chính, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.
Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sớm rà soát, điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo Thành Luân/Baodatviet