Mới đây, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh (40 tuổi) - Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), chi nhánh Thanh Xuân, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là lần đầu tiên khách hàng "điêu đứng" vì mất tiền gửi tại ngân hàng MSB.
8 khách hàng MSB bị chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng
Theo thông tin ban đầu, bà V.T.K.O. (trú tại Hà Nội) phản ánh với báo chí, tháng 3/2021, bà mở tài khoản tại MSB. Từ ngày 30/3/2021, bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản này, mỗi lần chuyển tiền đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản/số dư tài khoản. Trên giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân, hoặc giám đốc chi nhánh, ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB.
|
Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. |
Sau nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản và một lần rút gốc, số dư tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 là 27,7 tỷ đồng, theo xác nhận của ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở thì phát hiện tài khoản chỉ còn số dư 46.328 đồng.
Trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều giao dịch chuyển, rút tiền không phải do bà O. yêu cầu/thực hiện. Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư MSB thông báo trên các giấy xác nhận thông tin tài khoản/số dư tài khoản hoặc Email do MSB cung cấp/gửi cho bà O. tại thời điểm tương ứng.
Tương tự, bà N.T.L (trú tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phản ánh đến báo chí về việc số tiền hơn 58 tỷ đồng gửi tại MSB đã "bốc hơi" một cách khó hiểu. Cách thức mất tiền cũng diễn ra tương tự trường hợp của bà V.T.K.O.
Theo đó, bà N.T.L. bắt đầu gửi tiền vào Ngân hàng MSB từ ngày 30/3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58.650.00.000 đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP.Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.
Bà N.T.L. cũng khẳng định không hề rút tiền, không ủy quyền cho ai cũng như không ký khống bất cứ giấy tờ nào.
Diễn biến liên quan, MSB thông tin trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng này đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ, nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB). MSB đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
Trong vụ việc này, bước đầu Công an TP. Hà Nội xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
Gần 2 tỷ trong tài khoản MSB “không cánh mà bay”
Trước đó, gần cuối tháng 6/2023, phản ánh với Dân Sinh/Báo Dân Trí, anh V.X.H. cho biết, ngày 28/5/2022, anh có mở tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân tại Ngân hàng MSB chi nhánh Thăng Long. Trong suốt quá trình sử dụng, anh H. tin tưởng vào dịch vụ của ngân hàng này.
Đến ngày 28/5/2022, số dư trong tài khoản của anh có tổng số tiền hơn 1,961 tỷ đồng, sau đó bỗng nhiên bị chuyển khoản liên tiếp mất 1,959 tỷ đồng.
Tối cùng ngày, anh H. đã đến Công an phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để trình báo. Anh H. khẳng định, bản thân không chuyển số tiền đã bị mất nói trên cho bất kỳ ai. Đồng thời cho rằng, bản thân không có lỗi trong việc để lộ thông tin của mình hay tạo điều kiện cho kẻ gian xâm nhập vào hệ thống quản lý tài khoản của MSB.
|
Anh H. gửi đơn gửi lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Dân Sinh/Báo Dân Trí). |
Anh H. sau đó có làm các quy trình, thủ tục nhằm yêu cầu Ngân hàng MSB giải quyết bồi thường. Tuy nhiên phía Ngân hàng MSB, phản hồi: Theo quy định Dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân tại MSB, để có thể thực hiện một giao dịch hoặc thay đổi mật khẩu trên ngân hàng điện tử thành công thì hệ thống yêu cầu khách hàng phải xác thực giao dịch bằng đa yếu tố… Đồng thời MSB đã tiến hành tra soát lịch sử thông tin tài khoản ngày 28/5/2022 và hệ thống Ngân hàng đã đáp ứng xử lý các giao dịch này theo đúng quy trình, quy định.
Anh H. không đồng ý với các nội dung giải quyết từ phía Ngân hàng MSB và tiếp tục gửi đơn gửi lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Khách “bay” hơn 400 triệu trong tài khoản MSB
Trước đó, cuối tháng 7/2023, chị Nguyễn Thị Thủy (ở Hà Nội) phản ánh với Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, về việc ngày 2/10/2022 chị bị mất hơn 400 triệu đồng trong tài khoản Ngân hàng MSB, bao gồm: 1 sổ tiết kệm online 180 triệu đồng, tài khoản thanh toán 29 triệu đồng, tài khoản thấu chi 200 triệu đồng.
Thời gian trên, chị Thủy nhận được tin nhắn trong hộp thư của Ngân hàng MSB, có kèm đường link với nội dung: “Tài khoản của bạn đã đăng kí quảng cáo trên tiktok, mỗi tháng thu phí 5,6 triệu đồng. Vui lòng bấm vào http:msb.vn-iy.life để kiểm tra hoặc để hủy".
|
Tổng số tiền hơn 400 triệu trong tài khoản MSB của khách hàng đã "bốc hơi". (Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp). |
Sau khi bấm vào đường link, chị Thủy nhận được mã kích hoạt, điền mã xong thì app ngân hàng MSB nổi lên và hiện mã pin. Điền mã xong, app này loading, và vài giây sau thì chị thấy thông báo trên app MSB sổ tiết kiệm chưa đến hạn bị tất toán đổ tiền về tài khoản và bị chuyển đi…
Chị Thủy đã gọi điện thoại lên tổng đài để yêu cầu khóa toàn bộ tài khoản và thẻ tín dụng. Trong quá trình chờ tiếp nhận thông tin, app MSB của chị thông báo tài khoản thấu chi đã bị chuyển đi, tất cả các lệnh chuyển tiền chỉ khoảng 20 phút. Số tiền hơn 400 triệu đồng của chị Thủy được chuyển đến số tài khoản 0933048625 thuộc ngân hàng VPbank mang tên "Lam Dinh Tri".
Hôm sau, chị Thủy trình báo với Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội. Đồng thời, nhiều lần liên hệ với phía ngân hàng MSB để xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
"Phía ngân hàng cho rằng do tôi bấm vào đường link lạ trong tin nhắn nên bị các đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin này để chiếm đoạt tài sản. Ngân hàng đã có công văn yêu cầu nhà mạng xác nhận tin nhắn đó không phải của MSB…”, chị Thủy chia sẻ.
Thời gian vừa qua, không ít khách hàng bị mất tiền gửi tại các ngân hàng. Trong đó, một số vụ do các cán bộ, nhân viên của ngân hàng lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt tiền gửi trong tài khoản của khách hàng.
Gần đây nhất, ngày 18/32024, Tòa án nhân dân TP Từ Sơn (Bắc Ninh) mở phiên xử sơ thẩm vụ bà Trần Thị Chúc (sinh năm 1974, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) kiện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), yêu cầu ngân hàng này phải bồi thường toàn bộ số tiền là 11,9 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bà Chúc cho biết trong quá trình tư vấn, hướng dẫn bà mở tài khoản mới, nhân viên Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc không giải thích cho bà hiểu rõ các quy định của Vietcombank. Nhân viên cũng không hướng dẫn cho bà Chúc đọc các tài liệu, quy định trên bảng niêm yết thông tin bắt buộc ở sảnh giao dịch, mà chỉ hướng dẫn điền thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại và ký vào ba chỗ trong tờ hợp đồng mở tài khoản.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Từ Sơn đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc đối với Ngân hàng Vietcombank. Buộc Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị Chúc 700 triệu đồng, là một phần thiệt hại trong tài khoản mà bà Chúc mở tại ngân hàng này.
Trước đó, trên Facebook Alvin Tran, anh Trần Trung Mạnh viết: “Gần 3h chiều ngày 23/12/2023, khi đang ngồi cafe với bạn thì app VCB Digibank trên điện thoại báo tài khoản bị trừ 43.155.000 đồng. Tôi lập tức biết có vấn đề nên gọi luôn tổng đài Vietcombank khóa tài khoản và tra soát giao dịch.
Tổng đài check qua tài khoản của mình thì chỉ thấy liên kết với duy nhất một tài khoản MoMo và đề nghị ngắt liên kết, khóa tài khoản và thẻ cũ, sau đó hướng dẫn mình ra cây ATM thực hiện một giao dịch chứng minh không bị mất thẻ. Tôi đã làm theo hướng dẫn và định ra phòng giao dịch Vietcombank để trình báo thì hôm đó là thứ 7 nên ngân hàng nghỉ. Đến thứ 2, tôi ra phòng giao dịch Vietcombank thì họ bảo do lỗi của mình, ngân hàng không có trách nhiệm”.
Tương tự, một khách hàng ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng liên tục khiếu nại về việc số tiền gần 47 tỷ đồng của bà gửi tại tại Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã bị mất…
Khánh Hoài (t/h)