Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, đánh giá việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử khá phức tạp, cần suy xét, tham vấn cẩn trọng từ nhiều bên liên quan. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại phiên thảo luận dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô ngày 8-3, phía Grab Việt Nam cho rằng là "hết sức quan ngại".
Theo ông Jerry Lim, việc định danh Grab là một công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam mà còn là bước lùi của quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Phân tích dưới góc độ của tài xế, ông Jerry Lim cho rằng đối tác tài xế chọn sử dụng ứng dụng như Grab vì sự tự do và linh hoạt, dù lái xe toàn thời gian hay bán thời gian. Đồng thời, những người có xe cá nhân cũng có thể tăng thêm thu nhập khi sử dụng ứng dụng Grab để chở khách. "Tác động lên các đối tác tài xế sẽ thật sự khó lường và không thể tránh khỏi nếu chúng tôi bị định danh là công ty taxi" - ông Jerry Lim lo ngại.
Còn dưới góc độ của hành khách, ông Jerry Lim cho rằng nhiều người lựa chọn Grab bởi loại hình này tiện lợi, giúp di chuyển nhanh hơn và giá cả cũng minh bạch. Vì vậy, nếu đối tác tài xế của Grab bị ảnh hưởng thì sẽ kéo theo những yếu tố trên khó đạt được, đồng nghĩa đối tượng bị ảnh hưởng cuối cùng sẽ là hành khách.
|
Xe Grab hoạt động tại TP HCM |
Grab Việt Nam khẳng định đơn vị này không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào mà đang hợp tác kinh doanh với đối tác là công ty vận tải, hợp tác xã, tài xế... Vì vậy, các đơn vị này cũng sẽ bị sụt giảm doanh thu nếu Grab bị buộc phải tiếp quản.
"Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ hoàn toàn biến mất nếu chúng tôi bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh của các công ty taxi. Hệ quả kéo theo sẽ cực kỳ lớn" - ông Jerry Lim nói.
Trong khi đó, đại diện Uber Viet Nam cũng khẳng định đơn vị này là một công ty công nghệ, không phải taxi hay công ty vận tải. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hiện sử dụng ứng dụng của Uber để kết nối tài xế và hành khách, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh chứ Uber không sở hữu xe và tài xế, cũng không phải nhân viên của đơn vị.
Mặt khác, Uber Việt Nam đánh giá sự có mặt của các phương tiện sử dụng công nghệ đã giúp hạn chế người dân sử dụng hoặc sở hữu xe cá nhân, giúp giảm ùn tắc giao thông. Do đó, theo Uber Việt Nam, việc quản lý loại hình này như taxi hay công ty vận tải không chỉ là bước lùi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy tiêu cực.
"Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam cân nhắc những ảnh hưởng tích cực mà công nghệ của Uber đã mang đến để có một khung pháp lý mới hiệu quả và thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam" - đại diện Uber Việt Nam bày tỏ.
Theo Gia Minh/Người Lao động