Không khó để nhận thấy, thực phẩm chức năng (TPCN) đang là thị trường tiềm năng tại Việt Nam cùng với đó là sự bùng nổ của các doanh nghiệp sản xuất cũng như kinh doanh mặt hàng này.
Việc kinh doanh tràn lan khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái trở nên phổ biến kèm theo đó là những lời quảng cáo đánh bóng quá mức về công dụng của sản phẩm mặc dù quy định của nhà nước buộc phải ghi rõ "Sản phẩm không phải là thuốc".
Theo một khảo sát, nguồn tham khảo phổ biến của người tiêu dùng chủ yếu thông qua giới thiệu của bạn bè, người thân trong gia đình do đó kênh bán hàng TPCN theo hình thức đa cấp được áp dụng rộng rãi.
Tại một số buổi diễn giả giới thiệu về hệ thống bán TPCN, những người đến tham dự "hoa mắt" bởi số tiền họ có thể kiếm được nếu tham gia vào mạng lưới đa cấp kinh doanh sản phẩm.
|
Các nhân vật Boss được gây dựng hình ảnh như một "thủ lĩnh quốc dân" để thu hút người tham gia vào mạng lưới bán thực phẩm chức năng. Ảnh: FBNV |
"Vậy muốn trở thành triệu phú USD, các bạn đừng ngần ngại, hãy tham gia vào hệ thống, chia sẻ sản phẩm tiên tiến này với cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè xung quanh mình. Bằng cách đó, cứ 5 người phát triển đầu tiên trong hệ thống, rồi mỗi người trong 5 người này cũng có nhiệm vụ phát triển thêm 5 người nữa vào hệ thống của mình… Thế là chỉ trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, mạng lưới của bạn đã có đến 625 người. Lúc này, thu nhập cứ tự động chảy vào tài khoản cá nhân 2.000 USD/tháng. Cứ vậy phát triển đến năm thứ 3, bạn có thu nhập 23.000 USD/tháng... Và khi mạng lưới lên đến 20.000 người, bạn chắc chắn có 3 triệu USD mỗi tháng…", một diễn giả tự xưng là "tỷ phú doanh nhân" giới thiệu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để tiếp cận sâu hơn, rộng hơn đến người tiêu dùng, các công ty kinh doanh TPCN chủ yếu tập trung vào việc xây dựng hệ thống mạng lưới bán hàng xoay quanh một nhân vật được gọi là Boss sau đó chạy các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, kết hợp với livestream bán hàng trên Facebook. Các nhân vật Boss thường là người sáng lập ra sản phẩm, được gây dựng hình ảnh như một "thủ lĩnh quốc dân", toàn tài toàn đức, gia đình vô cùng hạnh phúc... khiến tất thảy những người bên dưới đều nhất nhất muốn noi theo.
Gần đây nhất là lễ tiệc của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm MY-ICHY được quảng cáo có doanh thu hàng chục tỉ đồng/tháng, với các sản phẩm chiến lược "số 1 Việt Nam" dành cho trẻ em. Tại buổi lễ, bà chủ MyMy Quốc Dân bước ra sân khấu rực rỡ như một... nữ hoàng, cùng với đó là những tiếng tung hô khắp phòng, gào thét như được gặp thần tượng, rồi quay phim, chụp ảnh…
Người dẫn chúng tôi đến buổi lễ say sưa giới thiệu: "Nhờ các sản phẩm của mình, Boss MyMy giờ có tất cả mọi thứ một người bình thường có thể mơ ước: Gia đình hạnh phúc, con gái khỏe mạnh, nhà lầu, xe hơi, những chuyến du lịch, cuộc sống vô cùng viên mãn..."
"Gia đình của Boss MyMy giờ được mệnh danh là gia đình quốc dân, các con của MyMy được gọi là các em bé quốc dân...", người này nói.
Trên trang Facebook có tên "MyMy Quốc Dân", bà này thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị hoành tráng, đào tạo kỹ năng lôi kéo khách hàng, dạy làm video quảng cáo. Bà này luôn phô trương sự giàu có với ảnh chụp nhà lầu, xe hơi, cuộc sống giàu sang, thu nhập tiền tỉ chỉ nhờ chịu khó bán các sản phẩm do công ty mình sản xuất, phân phối.
Để kích thích những người muốn tham gia, Tổng Giám đốc "MyMy Quốc Dân" thường xuyên đưa hình ảnh các chuyến hàng tấp nập chuyển đi khắp nơi, có khi còn cháy hàng. Ngoài ra, không thể thiếu hình ảnh các loại TPCN bên cạnh những cọc tiền trăm triệu đồng, bìa đỏ đất đai, cùng siêu xe tiền tỉ.
|
Những "trùm" kinh doanh TPCN luôn tìm mọi cách xây dựng đại lý và tuyển sỉ nhằm tăng doanh số trong khi thực tế sản phảm được bán ra thị trường rất ít. |
Còn theo tiết lộ của một Boss nổi tiếng về bán TPCN, chiến lược đơn giản nhất để bán được nhiều hàng là tuyển sỉ để họ bán lẻ ra thị trường.
Đối tượng mạng lưới này nhắm đến là phụ nữ nhàn rỗi, chưa có việc làm ổn định hoặc người đang trong thời gian nuôi con nhỏ muốn kiếm thêm thu nhập. Gần đây, mạng lưới phân phối còn tiến về các thành phố nhỏ, khu vực nông thôn và khu vực miền núi.
Thời gian đầu thấy sản phẩm tạo hiệu ứng, dễ bán nên nhiều người sinh lòng tham vay tiền, cầm cố tài sản "ôm" hàng về ngập nhà. Về sau không bán được chỉ biết chèo kéo người nhà, thân quen mua giúp…
"Như bên em mỗi lần đào tạo lại hốt được cả nghìn đại lý, mỗi lần tổ chức sự kiện, thay đổi diễn giả, tổ chức du lịch, mời người nổi tiếng hay mỗi lần treo giải điện thoại, ô tô, xe máy, tivi thì lại tuyển đại lý ầm ầm. Thực chất số hàng được bán ra chỉ khoảng 1/10. Số còn lại do những người ham giàu nhanh chóng vánh nên thi nhau học cách đẩy sỉ rồi cứ truyền từ đại lý này sang đại lý khác", người này chia sẻ.
Cơ quan quản lý phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát
Trao đổi với PV, luật sư La Văn Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh vượng chia sẻ: Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Do đó, khi các tổ chức, cá nhân quảng cáo thì phải trình bày đúng tác dụng của sản phẩm công bố và phải ghi rõ: "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Mặt khác, điều 48 Luật Cạnh tranh nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông tin gian dối về lợi ích việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Luật sư Thái cho rằng hiện đã có chế tài xử lý vi phạm về kinh doanh đa cấp. Vấn đề còn lại là thực thi pháp luật. Sở Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý thương mại tại địa phương phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm này.
Theo Nhật Tân/Giadinh.net