Giữa muôn vàn thế khó, FE Credit khó thực hiện tham vọng lãi “khủng”?

Google News

Trong cuộc họp cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, FE Credit dự kiến lãi 1.200 tỷ đồng. Liệu mục tiêu này có triển vọng trong khi chỉ 1 năm trước đó, FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng?

Theo đó, trong tờ trình đại hội cổ đông, FE Credit dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vượt 66.500 tỷ đồng. Đây được xem là mục tiêu đầy thách thức sau 2 năm công ty tài chính này kinh doanh bết bát. Lý do nào khiến FE Credit tự tin đặt mục tiêu táo bạo như vậy?
Có thể kể đến yếu tố chung của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam nói chung. Theo dữ liệu của FiinGroup, năm 2024 thị trường tài chính tiêu dùng có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ mới đạt hơn 10% GDP, con số này vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc (40%) hay Hong Kong (20%). Kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đà giảm của tăng trưởng dư nợ chậm lại và tạo đáy trong quý 3 và quý 4/2023 cũng gia tăng thêm kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024.
Bên cạnh đó, một trong những kế hoạch để FE Credit thực hiện được mục tiêu này tập trung ở việc tiếp tục tập trung cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, tăng cường quản trị, đồng thời đẩy mạnh tự động hóa để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu suất hoạt động. Lãnh đạo FE Credit cho rằng, môi trường lãi suất thấp như hiện tại sẽ giúp FE Credit tối ưu chi phí vốn, tối đa lợi nhuận.
Giua muon van the kho, FE Credit kho thuc hien tham vong lai “khung”
 Ảnh minh hoạ.
Mặc dù đây được xem là những điều kiện thuận lợi để FE Credit có thể đạt được mục tiêu, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng chưa hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn, đặc biệt là từ tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp, FE Credit phải chịu áp lực rất lớn từ việc tạo bước ngoặt chuyển lỗ thành lãi.
Theo đó, luỹ kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 2.960 tỷ đồng. Mức lỗ của FE Credit tăng hơn 408 tỷ đồng, tương đương tăng 24,8% so với năm 2022 (lỗ 2.376 tỷ đồng). 2023 cùng là năm thứ 2 liên tiệp doanh nghiệp này báo lỗ.
So với các công ty khác trong cùng lĩnh vực, mức lỗ của cdoanh nghiệp này đậm nhất thị trường. Vốn chủ sở hữu từ đó cũng giảm từ 13.241 tỷ đồng về còn 10.275 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit cũng giảm xuống 14,33% so với mức 16,16% tại thời điểm kết thúc năm 2023. Hệ số nợ/vốn chủ của FE Credit tăng từ 4,78 lần lên mức 5,14 lần, tương ứng doanh nghiệp có tổng nợ phải trả ở khoảng 52.816 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là hơn 1.399,52 tỷ đồng.
Theo dữ liệu trên HNX, FE Credit đang còn 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều được phát hành năm 2022, kỳ hạn 2 năm và có lãi suất từ 6,8-7,5%/năm. Trong đó, lô trái phiếu VPFCH2224001 sẽ đáo hạn vào ngày 24/4/2024; VPFCH2224002 đáo hạn vào ngày 28/4/2024; VPFCH2224003 sẽ đáo hạn vào ngày 29/4/2024; VPFCH2224004 sẽ đáo hạn vào ngày 27/5/2024; VPFCH2224008 sẽ đáo hạn vào ngày 22/8/2024.
Như vậy, cùng với kết quả kinh doanh lỗ trong 2 năm liên tiếp, FE Credit còn đang có áp lực rất lớn khi hơn nghìn tỷ trái phiếu sắp đáo hạn. Liệu mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng có thể đạt được? 
FE Credit tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB), FE Credit đã thành công trong việc chuyển đổi hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới với tên gọi Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (được nhận diện với Thương hiệu FE Credit) vào tháng 02/2015.
Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.
 
Ngọc Anh