Giới siêu giàu châu Á và xu hướng không để thừa kế cho con cháu

Google News

Theo Nikkei Asian, bảng xếp hạng giới siêu giàu châu Á vẫn đang tăng lên, nhưng điều đó không có nghĩa họ biết cách truyền lại tài năng kiếm tiền cho thế hệ tiếp theo.

Theo một báo cáo được công bố bởi Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, London vào đầu tháng 3, nhóm cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á - trên 30 triệu USD, tăng 13% tương đương gần 12.000 người vào năm ngoái.

Nghiên cứu cho thấy, châu Á chiếm 7 vị trí trong số 10 nền kinh tế hàng đầu có thị trường giá trị ròng cao mở rộng nhanh nhất. Hàn Quốc đứng đầu danh sách với số lượng người siêu giàu tăng 22%, Nhật Bản đứng thứ 3 ở mức 17%, Trung Quốc là 15% và Đài Loan 14%.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng lọt vào danh sách này với Singapore ở mức 10%, tiếp theo là Philippines và Thái Lan 9%. Ý, Nigeria và Ai Cập là quốc gia ngoài châu Á duy nhất trong top 10.

"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất về số cá nhân sở hữu tài sản ròng lớn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đây là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu", Kevin Coppel, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương Knight Frank, London, cho biết.

Gioi sieu giau chau A va xu huong khong de thua ke cho con chau

Một đại lý của hãng xe Maserati Ý tại Seoul. Ảnh: Reuters.

Đông Nam Á trở thành điểm nóng cho các công ty quản lý tài sản, khi xuất hiện nhiều triệu phú và tỷ phú mới. Veron Shim, Giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp quản lý tài sản Envysion trụ sở tại Singapore, lưu ý rằng, nhiều công ty châu Á vẫn đang phát triển, các cá nhân giàu có sẽ tiếp tục tăng thêm.

Shim nhận định: "Châu Á sẽ tiến nhanh hơn nữa. Sớm thôi, sẽ bắt kịp và vượt qua phương Tây về số lượng người có giá trị ròng cao".

Công ty Envysion cung cấp dịch vụ trợ giúp cá nhân cho các triệu phú ở châu Á, từ sắp xếp máy bay phản lực tư nhân đến hỗ trợ quản lý bất động sản. Khi Envysion khuyến khích khách hàng chuyển giao tài sản cho người thừa kế, nhiều người trong số họ không có dự định đó.

Brian Balleine, Quản lý khu vực châu Á Công ty dịch vụ tài chính Butterfield trụ sở tại Bermuda, cho biết: "Ngay cả khi chúng ta đứng trước sự chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử, nhiều gia đình châu Á có giá trị ròng cao thường phải đối mặt với sự ưu tiên và mâu thuẫn lợi ích, tài sản đan xen với thành công của công ty".

Báo cáo của Butterfield lưu ý rằng, châu Á trở thành trung tâm lớn nhất của các tỷ phú, với dân số dự kiến tăng trên 1.000 vào năm 2023. 60% nhà quản lý, người phục vụ phân khúc khách hàng sở hữu tài sản ròng lớn của Butterfield cho biết, nhiều khách hàng không có kế hoạch thừa kế.

Cuộc khảo sát với hơn 50 người từ các trung tâm tài chính của Hong Kong và Singapore cho thấy, 31% nhà quản lý tài sản có khách hàng không ưu tiên kế hoạch kế nhiệm, trong khi 28% cho biết khách hàng của họ không cần lập kế hoạch.

Gioi sieu giau chau A va xu huong khong de thua ke cho con chau-Hinh-2

Người sáng lập tập đoàn Lotte, ông Shin Kyuk ho. Ảnh: CNBC.

Thành công là một chủ đề nhạy cảm, có thể phá vỡ nhiều gia đình. Lotte, một trong những tập đoàn kinh tế gia đình lớn nhất Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Con trai cả Shin Dong-joo bị trục xuất khỏi công ty sau khi thất bại trong cuộc chiến với người em trai Shin Dong-bin vào năm 2015. Điều đáng nói, cũng chính người con trai út Shin Dong-bin đã lật đổ cha, nhà sáng lập Lotte, Shin Kyuk ho. Ông Shin Kyuk-ho và người con trai cả đã bị gạt sang một bên trong cuộc đại chiến gia tộc.

Công ty bảo hiểm Transamerica thực hiện khảo sát với hơn 230 người có giá trị ròng cao và các nhà quản lý tài sản từ Hong Kong, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 9 năm ngoái. Và đưa ra kết quả tương tự nghiên cứu của Butterfield: 57% giới siêu giàu châu Á đã không lên kế hoạch thừa kế sự giàu có của họ, so với 32% tại phương Tây.

Theo Minh Hằng/Zing