Đó là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) tại phiên thảo luật tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra ngày 5/6.
Ông Nguyễn Hải Anh ủng hộ việc mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý chặt chẽ và công tác bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia theo ông Nguyễn Hải Anh cần bổ sung việc người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở thì phải thông qua một tổ chức trung gian môi giới được cấp phép để tiện quản lý.
Đặc biệt, vị đại biểu này còn đề nghị bổ sung thời hạn sở hữu nhà với người nước ngoài ở Việt Nam chứ không được phép sở hữu vĩnh viễn.
Theo ông Nguyễn Hải Anh. chúng ta cần giới hạn thời điểm và thời gian sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam để bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Đồng thời bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cho thuê, bán lại nhà ở khi mua tại Việt Nam nhưng phải thông qua một tổ chức trung gian được cấp phép như việc mua bán để tránh việc người nước ngoài đi ngầm, trốn thuế..
|
Ảnh minh họa, nguồn: internet |
Còn đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung nhiều phương thức quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Dự thảo nên bổ sung ít nhất 3 hình thức sở hữu. Một là không xác định thời hạn; hai là xác định thời hạn theo thời hạn sử dụng đất; ba là các bên tự thỏa thuận với nhau, không nên giới hạn một hình thức cụ thể.
“Song song với việc bổ sung thêm quy định hình thức sở hữu nhà ở thì cần có quy định hết thời hạn thì trách nhiệm pháp lý thế nào”, ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.
Về vấn đề này Luật sư Cao Xuân Vương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thực tế tại Khoản 2, Điều 160 Luật Nhà ở có quy định về điều kiện của tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: "Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp".
Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 161 Luật Nhà ở quy định: "Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời hạn được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này".
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng phản đối quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Bởi, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì thế, ông đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Minh Quang