Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đang đối mặt với nhiều khó khăn như Bách Hóa Xanh không được như kỳ vọng, thị trường điện thoại bão hòa và công ty sở hữu khoản nợ khủng.
Thế giới Di động đã và đang tạo ra nhiều tỷ phú có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới Di động.
|
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới Di động. (Ảnh: Cafef)
|
Với việc sở hữu lượng cổ phiếu MWG có giá trị 5.248 tỷ đồng, ông Tài là người giàu thứ 10 sàn chứng khoán Việt Nam. Trong danh sách này, ông đứng ngay sau bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) và đứng ngay trên ông Nguyễn Phát Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt.
Sở hữu lượng cổ phiếu khổng lồ, nắm giữ chức vụ quan trọng và góp phần rất lớn giúp công ty phát triển mạnh mẽ nhưng ông Nguyễn Đức Tài và dàn lãnh đạo của Thế giới Di động lại “kém may mắn” về đường lương thưởng.
Trong gần 5 năm qua, thù lao của dàn sếp cấp cao tại Thế giới Di động không những không tăng mà còn bị giảm.
2014 là năm đầu tiên Thế giới Di động hé lộ mức lương trả cho các sếp. Trong năm, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc được trả 14,8 tỷ đồng. Bình quân, mỗi lãnh đạo nhận 1,25 tỷ đồng/người/năm, tương đương 112 triệu đồng/người/tháng.
Đây là quỹ lương cao nhất mà Thế giới Di động dành cho lãnh đạo kể từ năm 2014. Sang năm 2015, quỹ lương này hao hụt mạnh xuống chỉ còn 11,2 tỷ đồng. Sau 1 năm, mỗi sếp Thế giới Di động chỉ còn nhận 1,02 tỷ đồng/người/năm, tương đương 84,8 triệu đồng/người/tháng.
84,8 triệu đồng/người/tháng là mức lương không hề nhỏ với đại bộ phận người lao động nhưng lại khá khiêm tốn so với các tỷ phú như ông Nguyễn Đức Tài.
Sang năm 2016 và 2017, thu nhập của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc biến động không nhiều. Tới quý 1/2018, dàn lãnh đạo này được trả 2,7 tỷ đồng. Trung bình, mỗi sếp được trả 225 triệu đồng/người, tương đương 75 triệu đồng/người/tháng, giảm 9,8 triệu đồng/người/tháng, tương đương 11,6%.
Tuy nhiên, thu nhập của ông chủ Thế giới Di động và các sếp lớn khác của công ty không chỉ nằm ở lương thưởng. Ngoài lương thưởng, họ còn được nhận thêm cổ phiếu ESOP. Cổ phiếu ESOP mới là ưu đãi lớn mà Thế giới Di động dành cho những người như ông Nguyễn ĐứcTài.
Trong năm 2013, thu nhập trung bình của lãnh đạo cấp cao tại Thế giới Di động lên tới 619.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng). Con số này bao gồm cả cổ phiếu ESOP. Cán bộ cấp dưới cũng đạt bình quân thu nhập 32.000 - 58.000 USD.
|
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đang đối mặt với nhiều khó khăn như Bách Hóa Xanh không được như kỳ vọng, thị trường điện thoại bão hòa và công ty sở hữu khoản nợ khủng. |
Tới năm 2014, Thế giới Di động thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên. Tỷ lệ thực hiện là 5% trên tổng lượng lưu hành. Như vậy, thu nhập bình quân của cán bộ quản lý kinh doanh khối siêu thị sẽ đạt 29.000 USD, quản lý mua hàng 60.000 USD, hỗ trợ kinh doanh 74.000 USD.
Dàn lãnh đạo cấp cao tại Thế giới Di động có thu nhập cao hơn nhiều, đạt trung bình 459.000 USD mỗi người. 459.000 USD là con số lớn nhưng vẫn giảm mạnh so với năm 2013.
Kể từ đó tới nay, Thế giới Di động vẫn có thêm những đợt phát hành ESOP. Nhờ đó, thu nhập của dàn sếp Thế giới Di động không ngừng tăng cao.
Lương của người lao động Thế giới Di động cũng được cải thiện. Trong năm 2017, chi phí nhân công gộp từ khoản mục này trong chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là 4.920 tỷ đồng, tăng gần 62% so với năm trước. Trung bình, thu nhập hàng tháng của mỗi nhân viên Thế Giới Di Động đạt khoảng 11,1 triệu đồng, tăng mạnh so với mức 9,7 triệu đồng của năm trước.
Theo Việt Vũ/VTC News