Đó là chia sẻ của anh Trương Tiến Hải, trú tại phố Thành Công, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hoá (Thanh Hoá) về quyết định từ bỏ công việc giảng viên Đại học để về quê khởi nghiệp với nông nghiệp.
Anh Hải cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Thuỷ sản và học lên Thạc sĩ, anh về quê và từng có thời gian 10 năm làm Giảng viên khoa Nuôi trồng Thuỷ sản của trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá).
Hơn 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy, nghiên cứu, anh Hải nhận ra ở Thanh Hoá có những giống gia cầm, thủy cầm quý hiếm có nguy cơ đang bị mai một do bị lai tạp nhiều, đặc biệt là giống vịt Cổ Lũng và Gà Kha Thầy (Ri Mây) tiến vua ngày xưa.
Vì đam mê bảo tồn và phát triển các giống gia cầm, thuỷ cầm bản địa quý hiếm mà anh Hải đã từ bỏ công việc giảng viên Đại học của mình.
Năm 2011, anh Hải đã lên vùng núi Chí Linh thuộc huyện Lang Chánh và vùng núi Quan Hoá để tìm dấu tích của gà tiến vua nhưng không có kết quả. Nửa năm sau, anh tiếp tục đi tìm kiếm và đã tìm thấy giống gà này ở huyện Ngọc Lặc, được nuôi tại một số gia đình nhưng đã bị lai tạp nhiều.
Tìm mua được 5 cá thể gà trống và 6 cá thể gà mái tiến vua của 3 hộ gia đình ở Ngọc Lặc, anh Hải mang về trang trại, bắt đầu thực hiện quy trình khôi phục giống gà tiến vua.
Cùng với đó, năm 2012, anh lên xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước để mua giống vịt đặc sản nơi đây, dành thời gian dài để nghiên cứu, chọn lọc giống vịt và lai tạo, sản xuất ra những con vịt thuần chủng.
Vịt Cổ Lũng được anh Hải nghiên cứu và lai tạo thành công, nuôi tại trang trại của mình.
“Tôi chia trang trại ra thành 10 ô chuồng, mỗi ô nuôi theo tỷ lệ 1 trống, 5 mái. Tháng sau tôi tiếp tục đổi con trống ở ô này sang ô kia. Cứ như vậy suốt 6 tháng trời để ghép đôi, lai tạo, chọn ra bộ giống thuần chủng ưng ý nhất”, anh Hải nói.
Sau 2 năm nghiên cứu, tiến hành lai tạo, giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất lên đến 97%, cổ to và ngắn, chân ngắn, con trống có đầu màu xanh, con cái có màu cánh sẻ, cổ có khoang trắng, sức đề kháng tốt, cân nặng từ 1,6-2kg.
Càng làm, anh Hải càng thấy niềm đam mê nghiên cứu, chăn nuôi của mình càng lớn. Năm 2014, anh quyết định xin nghỉ công tác tại trường để dành toàn bộ thời gian cho việc nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển kinh tế từ vịt Cổ Lũng và gà tiến vua.
Giống gà tiến Vua có giá bán lên tới 200 nghìn đồng/kg được anh Hải bảo tồn và nuôi tại trang trại.
Trong tay chỉ có hơn một trăm triệu đồng, anh Hải đã vay mượn thêm ngân hàng 380 triệu đồng, đầu tư thuê đất, mở trang trại nuôi gà, vịt.
“Khi tôi quyết định nghỉ việc, cả nhà không ai đồng ý, nhưng đam mê của tôi lớn quá, không ai ngăn cản được”, anh Hải bộc bạch.
Được đào tạo bài bản với chuyên ngành thuỷ sản nhưng anh Hải rẽ sang chăn nuôi, không có kinh nghiệm, chưa va vấp bao giờ nên anh gặp không ít có khăn. Nhiều lần, đàn vịt hàng nghìn con lăn ra chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Vịt Cổ Lũng có giá bán tại trang trại là 200 nghìn đồng/con, nặng từ 1,6-2kg, gấp 3 lần các loại vịt khác.
“Từ khi về quê làm nông nghiệp, móng tay móng chân lúc nào cũng đen sì, người cũng đen, quần áo thì toàn bị nhựa cây bám vào, lem luốc, không bộ nào tử tế. Có hôm, 11 giờ đêm, thậm chí là 1-2 giờ sáng, đàn vịt của tôi lăn ra chết, tôi đập cửa các chuyên gia của Đại học Hồng Đức để hỏi, tìm hiểu nguyên nhân”, anh Hải nhớ lại.
Tuy nhiên, đam mê khiến anh không nản chí, lại tiếp tục nghiên cứu tài liệu, tham gia các hội thảo, hội nghị, học hỏi kinh nghiệm để khắc phục khó khăn.
Dần dần, anh đã làm chủ được kỹ thuật nhân giống, nuôi thương phẩm vịt Cổ Lũng và nuôi gà tiến vua với số lượng lớn, cung cấp cho thị trường hàng nghìn con mỗi tháng. Tiền thu về, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất, mua máy móc, xây dựng nhà xưởng để chăn nuôi.
Mỗi tháng anh Hải cung cấp ra thị trường hàng nghìn con gà, vịt giống cho bà con nông dân tại địa phương.
Đến nay, mỗi tháng, anh cung cấp ra thị trường từ từ 500-1.000 con vịt Cổ Lũng thương phẩm với giá 200 nghìn đồng/con, hàng trăm con gà tiến vua với giá 200 nghìn đồng/kg.
Ngoài tự sản xuất giống để nuôi, anh còn trang bị 5 chiếc máy ấp trứng, mỗi tháng cung cấp ra thị trường và các trang trại vệ tinh từ 1.000-2.000 con vịt giống với giá từ 15-18 nghìn đồng/con.
Với diện tích 4ha mặt nước, anh Hải còn tiến hành nuôi cá và tôm càng xanh. Mỗi năm, anh thu hoạch được khoảng trên 1 tấn tôm các loại, bán với giá 100-250 nghìn đồng/kg và hàng tấn cá trắm, cá chép.
Để có nguồn thức ăn nuôi gà, vịt và nuôi cá, anh Hải còn thuê đất, mở trang trại ở huyện Hậu Lộc và huyện Thạch Thành để trồng chuối, ngô, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Dưới ao, anh trồng các loại hoa sung, bèo để tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển, tạo nguồn thức ăn cho tôm và cá.
Trang trại chăn nuôi của anh Hải.
Sau gần 10 năm về quê khởi nghiệp, từ 2.500m2 đất đi thuê làm trang trại, anh Hải đã sở hữu trang trại chăn nuôi rộng 7ha, tổng doanh thu chưa trừ chi phí được khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Thời gian tới, ngoài chăn nuôi vịt Cổ Lũng, gà tiến vua, nuôi cá và tôm càng xanh, anh Hải dự định sẽ trồng các loại cây dược liệu bản địa để vừa bảo tồn, bổ sung vào nguồn thức ăn chăn nuôi vừa đưa vào sản xuất trà túi lọc, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và giúp đỡ nhiều gia đình đi lên từ mô hình kinh tế trang trại.
Theo Hồng Cảnh/Người đưa tin