Dữ liệu giá xăng dầu từ thị trường Singapore cho thấy, gần 15 ngày qua giá xăng RON 92 - xăng nền để pha chế xăng E5 đã tụt giảm rất mạnh.
Từ ngày 2/3 đến ngày 6/3, giá xăng RON 92 còn duy trì ở ngưỡng từ 54,8 đến 56,8 USD/thùng thì đã lao dốc ngay sau đó.
Ngày 9/3, giá xăng RON 92 giảm tới 12 USD/thùng, xuống còn 42,65 USD/thùng. Đây là mức giảm tương ứng với đà giảm “sốc” của giá dầu thô trên thế giới.
Mức giảm giá xăng tiếp tục chưa dừng lại. Đến ngày 12/3 giá xăng đã vuột mốc 40 USD/thùng, chỉ còn 39,4 USD/thùng.
|
Giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới đây sẽ giảm rất mạnh.
|
Như vậy, tính đến ngày 13/3, giá xăng RON 92 chỉ còn ở mức 48,75 USD/thùng, giảm tới hơn 13 USD/thùng.
Mức giảm giá rất mạnh này tạo điều kiện cho giá xăng trong nước có điều kiện giảm mạnh. Theo tính toán, với mức giá trung bình chỉ 48,75 USD/thùng, giá cơ sở xăng E5 chỉ còn 15.900 đồng/lít, trong khi giá bán lẻ hiện hành loại xăng này đang là 18.340 đồng/lít.
Có nghĩa, giá xăng E5 điều chỉnh vào đầu tuần tới có thể giảm tới 2000-2.400 đồng/lít, tuy nhiên mức giảm giá còn tùy thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu nhà điều hành tăng mức trích lập cho Quỹ thì giá xăng E5 dù vẫn giảm mạnh, nhưng không nhiều như con số tính toán kể trên.
Giá xăng RON 95 trung bình 15 ngày qua cũng giảm còn 50,4 USD/thùng, giảm tới 13,7 USD/thùng so với kỳ tính giá ngày 29/2.
Với mức giảm này, xăng RON 95 có cơ hội giảm tới 2.500-2.600 đồng/lít, chỉ còn hơn 16.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa... cũng sẽ có mức giảm tương đối mạnh.
Tất nhiên mức giảm giá xăng dầu là bao nhiêu còn tùy thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Một chuyên gia xăng dầu cho biết: Trong bối cảnh này, việc giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào. Cho nên, mức trích lập Quỹ ở mức 300 đồng/lít theo quy định hiện hành là phù hợp, thay vì trích Quỹ mạnh hơn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá tại thời điểm 31/12/2019 vẫn đang còn hơn 2.700 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nên số dư của Quỹ cũng được “bồi đắp” thêm đáng kể. Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng cường trích lập Quỹ ở mức khá cao.
Ví dụ tại kỳ điều hành giá ngày 29/2, liên Bộ trích lập Quỹ ở mức 700 đồng/lít đối với dầu hỏa và dầu diesel, 500 đồng/lít xăng RON 95 và 100 đồng/lít xăng E5.
Số dư Quỹ bình ổn giá tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Hết tháng 1/2020, số dư Quỹ bình ổn giá tại Petrolimex là hơn 1.500 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 2 đã tăng lên hơn 1.800 tỷ đồng.
Điều cần lưu ý, các doanh nghiệp chỉ là nơi giữ hộ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, Bộ Tài Chính quy định các doanh nghiệp đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Số tài khoản đó doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính, còn ngân hàng hàng quý báo cho Bộ số tiền trích lập quỹ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được phép sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Như vậy, khi quỹ dương doanh nghiệp cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì doanh nghiệp tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ (vay ngân hàng hoặc vốn doanh nghiệp).
Trước tình cảnh khó khăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất như hiện nay, việc giá xăng dầu giảm mạnh sẽ là cơ hội giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (các doanh nghiệp chủ yếu dùng dầu diesel). Do đó, việc trích lập Quỹ bình ổn được một số chuyên gia xăng dầu cho rằng không nên ở mức cao. Một mức trích lập vừa phải sẽ là phù hợp, tránh tình trạng ngàn tỷ nằm yên trong tài khoản ngân hàng mà “không để làm gì”.
Theo H.Duy / VietNamNet