Tại hội nghị công bố Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP trước đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Nghị định 15 có sự thay đổi cơ bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro và nguy cơ, phù hợp với thông lệ của quốc tế, bắt kịp trình độ quản lý của các nước tiên tiến.
Theo đó, DN sản xuất kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm, thay vì phải xin giấy phép từ rất nhiều cơ quan chức năng như trước kia.
|
DN tự chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. |
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường, xem có đúng với những gì DN công bố hay không. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tức là, chuyển từ việc quản bằng các giấy phép sang kiểm tra khi lưu hành trên thị trường, Thứ trưởng Long cho biết.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng có nhiều quy định rất thông thoáng. Chẳng hạn, DN có 2 cơ sở cùng sản xuất một sản phẩm thực phẩm, nhưng đặt ở 2 địa phương khác nhau thì chỉ cần công bố và nộp bản công bố cho cơ quan chức năng của địa phương nào DN thấy thuận tiện nhất là đủ.
Thay vì trước đây, cứ 6 tháng DN phải mang mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng an toàn, nay cũng hoàn toàn bãi bỏ. DN tự chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
Với thực phẩm nhập khẩu, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng nhập khẩu, lựa chọn tối đa 5% để kiểm tra và kiểm tra hồ sơ. Việc kiểm tra chuyên ngành bằng cảm quan sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra chặt thực phẩm khi DN có tiền sử không đảm bảo chất lượng, có cảnh báo của các cơ quan hữu quan hay phát hiện sai phạm khi lưu thông.
Bộ Y tế giờ còn chỉ nắm 2 mặt hàng là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dành cho trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống. Với các mặt hàng này thì quy trình quản lý chặt, nhưng chiếm tỷ lệ không nhiều so với các sản phẩm thực phẩm nói chung, thứ trưởng Long cho biết.
Theo ông Long, đây là quyết tâm lớn của Chính phủ khi ban hành nghị định này. Điều này sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, lưu bãi.
Thoát nỗi khổ giấy phép
Trước đây việc quản lý an toàn thực phẩm được cho gánh nặng đối với các DN. Thời gian qua các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm đã phàn nàn nhiều về vấn đề này. Các DN cho biết, để xin được giấy phép đưa sản phẩm mới ra thị trường phải mất cả tháng chạy đi chạy lại giữa các cơ quan chức năng, khiến họ rất khổ sở.
Đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dẫn chứng, với sản phẩm xúc xích lắc, để hoàn thành được các thủ tục đưa sản phẩm bán ra thị trường, họ mất tới 33 ngày để liên hệ với các cơ quan chức năng xin đủ loại giấy phép.
|
Nghị định 15 là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm |
Công ty TNHH Ba Huân nuôi gà theo quy trình sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn, cho hay, sản phẩm thịt gà đã được công bố tên thương mại và cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, cũng sản phẩm thịt gà này khi làm đông lạnh để đưa vào siêu thị, hay bán ra thị trường, phải tiếp tục làm thủ tục công bố hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Con gà nuôi 45 ngày mà chờ cấp phép này đã hết 30 ngày.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì cho rằng, thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm mất từ 3-5 tháng để được cấp phép. Một sản phẩm sản xuất trong nước có bao nhiêu nguyên liệu, phụ liệu, bao bì thì phải cõng từng đó giấy phép công bố, lên tới hàng chục giấy phép con.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu lên một thực tế, các DN sản xuất bánh kẹo than thở rằng, họ sản xuất bánh chocolate bao gồm 12 loại nguyên liệu thì phải xin 12 giấy phép, cộng với giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho thành phẩm nữa là 13 giấy phép. Như vậy, một sản phẩm sản xuất trong nước không chỉ phải xin một giấy phép mà phải “cõng” hàng chục loại giấy phép con đối với tất cả các nguyên liệu.
Chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ trong thành phần nguyên liệu, DN lại phải phải làm lại thủ tục... vô cùng mất thời gian, rườm rà và tốn kém.
Các DN phàn nàn, ngoài tốn thời gian cho thủ tục hành chính còn làm cho chi phí sản phẩm tăng, khiến giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
Vì vậy, quy định mới cắt giảm trên 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã loại bỏ được gánh nặng cho các DN, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch.
“Việc được phép tự công bố sản phẩm, không phải xin bất cứ giấy phép nào cũng như không phải thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ 6 tháng 1 lần là hạnh phúc lớn, bởi nó đã loại bỏ được cả rừng những quy định rườm rà, gây mệt mỏi cho các DN”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam, phát biểu.
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng, Nghị định 15 là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm, giảm gánh nặng cho DN. Nghị định này là “dấu chấm hết” cho thời kỳ gian nan của các DN. Nó tạo ra chuyển biến về tư duy, cách thức quản lý của Nhà nước, đặt dấu ấn và thổi luồng gió mới cho cải cách.
“Tôi hy vọng những hành động cải cách này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Chúng ta đều mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có những món quà đầy trách nhiệm cho người dân và DN”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo lắng. Theo ông Nguyễn Văn Việt, điều lo ngại nhất hiện nay làm sao để quy định này đi vào thực tế nhanh nhất và đúng với tinh thần của nó. Ngoài ra, bên trên đã thông thoáng rồi, nhưng bên dưới sẽ thực hiện ra sao, liệu có nghiêm túc? Quan trọng nhất vẫn là ở các địa phương.