Thời gian vừa qua, không chỉ thường xuyên ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch và khu vực lân cận, các sân đỗ máy bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất luôn ở trong tình trạng quá tải tại các khung giờ cao điểm. Trước thực trạng này, một số chuyên gia đã đưa đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. Kiến Thức điểm lại những "diệu kế" đang được dư luận rất chú ý này.
Xây dựng các công trình nhà ga, sân đỗ, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất
Mới đây, chia sẻ trên báo Giao thông, TS. Trần Quang Châu – Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không VN vừa hiến kế “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, bàn về giải pháp “cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, TS. Trần Quang Châu nói: Trong tình hình thực tế hiện nay, với điều kiện khó khăn về kinh tế, sự “o ép” của thời gian do phải nhanh chóng giải quyết tắc nghẽn cho Tân Sơn Nhất, vì một định hướng có tầm nhìn dài hạn cho tương lai của khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là tương lai phát triển bền vững của TP. HCM cũng như đảm bảo được sự phát triển đồng bộ của mạng CHK, SB Việt Nam cần thống nhất nhận thức rằng Tân Sơn Nhất chỉ nên phát triển đến công suất thông qua tối đa 50 triệu hành khách/năm".
|
Không chỉ khung giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và ngày cuối tuần khiến người dân ám ảnh. Ảnh: CTV/Giao thông. |
Theo TS Châu, cần cho lập ngay dự án và triển khai xây dựng các công trình nhà ga, sân đỗ, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất trên cơ sở có sử dụng các khu đất thu hồi, đưa vào khai thác từ năm 2020; Cho lập dự án sử dụng các khu đất thu hồi phục vụ các nhu cầu đường lăn, nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, đường giao thông cho hành khách tiếp cận, chống ngập cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và các nhu cầu khác của cơ sở hạ tầng hàng không xong trước năm 2025. Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện các dự án giao thông kết nối sân bay.
“Với giải pháp này, không phải đầu tư xây dựng nhiều, ít phải đền bù GPMB, ít phải giải tỏa dân cư, đảm bảo được môi trường sống, an ninh an toàn xã hội; Chi phí thấp; Xây dựng nhanh. Hài hòa với sự phát triển của TP. HCM”, TS. Châu nói và nhấn mạnh: Giải pháp này cũng hoàn toàn phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.
Cụ thể, khi Long Thành xây dựng xong giai đoạn I với công suất 25 triệu HK/năm vào năm 2025, năng lực vận chuyển của toàn bộ khu vực lên tới 70-80 triệu HK/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và với toàn quốc nói chung. “Lúc đó chúng ta “rảnh tay” tiếp tục xây dựng Long thành theo kế hoạch đề ra”, TS Châu nói thêm.
Liên quan đến sân bay Long Thành, TS Châu cho rằng song song với việc đầu tư giai đoạn 1, cần lập tiến độ và triển khai dự án xây dựng tiếp các hạng mục của CHK quốc tế Long Thành sau năm 2025 và phương án cụ thể về việc chuyển dần các hạng mục cần phân tải từ Tân Sơn Nhất về một cách hài hòa, tuần tự và đồng bộ trong khai thác. Các hạng mục này cần có sự liên kết rất hữu cơ với nhau về tiến độ lập dự án, tiến độ thi công, tạo vốn và sử dụng nguồn vốn cũng như kế hoạch khai thác.
Chúng ta cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, hoàn thành việc đầu tư xây dựng giai đoạn I và đưa vào khai thác trước năm 2025 với công suất 25 triệu khách/năm.
Trong trường hợp có sự chậm trễ theo tiến độ đề ra, cần có phương án tính toán để phân tải cho TSN bằng việc sử dụng các CHK, SB Biên Hòa, Cần Thơ… Đây cũng là phương án ít tốn kém nhất, nhanh nhất để giải tỏa ách tắc cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất trước mắt và xây dựng CHK quốc tế Long Thành cho tương lai.
Hạn chế taxi, mở thêm nhiều tuyến xe buýt vào sân bay
Tương tự, để "giải cứu" tắc nghẽn sân bay Tân Sơn Nhất, bày tỏ quan điểm trên Zing, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết, lượng xe taxi trên tuyến đường này rất đông. Ông dẫn chứng số lượng xe ra vào khu vực đường Trương Sơn gồm 6.000 xe gắn máy/giờ và 3.000 ôtô/giờ, trong đó có đến 50% là xe taxi. Như vậy có thể nói nguyên nhân gây kẹt xe nhiều là taxi quá đông. Bên cạnh đó, trên đường Trường Sơn có một bãi đậu xe taxi và có rất nhiều xe quay đầu ẩu gây kẹt xe.
“Tôi cho rằng thành phố cần mở thêm nhiều tuyến xe buýt từ sân bay về các vùng ngoại ô của thành phố như Thủ Đức, Bình Chánh, Quận 7, Củ Chi chứ không chỉ vài chuyến vào trung tâm TP như hiện nay. Việc đẩy mạnh phát triển các tuyến xe buýt sẽ làm giảm bớt số lượng xe taxi quá đông và rất lộn xộn ở sân bay Tân Sơn Nhất thay vì cấm xe máy, ôtô”, TS Phạm Sanh hiến kế.
|
Dù mới mở rộng nhưng đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Lê Quân/zing.vn. |
Thành phố vẫn đang chờ những giải pháp lớn về đầu tư xây dựng hạ tầng như xây dựng hai cầu vượt thép ở giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà, Ngã sáu Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng, mở rộng vòng xoay Lăng Cha Cả, xây đường trên cao số 1 TP HCM. Trong thời gian này, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng các cơ quan chức năng cần lắp đặt nhiều camera quan sát. Từ đó, căn cứ trên hình ảnh ghi nhận để kiểm tra xử lý vi phạm giao thông.
Xin 21 ha đất xây thêm nhà ga, bãi đậu và đường lăn
Bên cạnh đó, để giảm tải tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất tắc cả trên trời, bãi đậu, nhà ga và cả ngoài đường, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, cho biết Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất với Bộ Quốc phòng bàn giao thêm 21 ha đất quốc phòng để mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn. Với khu đất đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm đường giao thông ra hướng Cộng Hòa để giảm tải cho đường Trường Sơn.
Theo phương án xây dựng, nhà ga hàng không lưỡng dụng mới có khoảng 15 vị trí đỗ sử dụng cầu ống, bổ sung thêm khoảng 40-50 bãi đỗ máy bay, nâng công suất đỗ toàn sân bay Tân Sơn Nhất lên 90-100 bãi đỗ qua đêm.
“Nếu đưa vào sử dụng 21 ha đất của Bộ Quốc phòng này để xây dựng thêm bãi đỗ, đường lăn, nhà ga thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng công suất lên 40 triệu hành khách/ năm, tăng lên 15 triệu so với công suất hiện nay”, ông Lại Xuân Thanh nhận định.
Về vấn đề sân đỗ cho máy bay qua đêm, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, đề xuất quan điểm rằng chính phủ có thể nghiên cứu ứng trước nguồn ngân sách để triển khai xây sân đỗ ở phần đất hơn 7,63 ha mà Bộ Quốc phòng bàn giao. Sau đó nhà đầu tư khi thực hiện dự án nhà ga lưỡng dụng sẽ hoàn ứng lại. Đảm bảo trước mắt việc giải tỏa ách tắc giao thông do thiếu chỗ đỗ sẽ giảm ngay.
Xây thêm cầu vượt, đường song hành
Cũng theo thông tin trên Zing, nhằm giảm áp lực giao thông cho đường Trường Sơn và vòng xoay Lăng Cha Cả, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng phần đất bên trong khu quân sự để TP HCM mở đường giao thông nối đường Phan Thúc Duyện ra đường Trường Chinh (đường song song đường Cộng Hòa).
Ngoài ra, TP HCM sẽ sớm thi công hai cầu vượt thép ở nút giao thông Ngã sáu bùng binh Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng và nút giao thông Trường Sơn – Hồng Hà để giảm tải ùn tắc ở cửa ngõ sân bay.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng cũng đang xem xét phương án đề xuất mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ đường Cộng Hoà vào sân bay lưỡng dụng mới.
Phương án mở đường mới thông từ Hoàng Hoa Thám sang Phan Thúc Duyện, có đi qua phần đất quốc phòng đang quản lý, cũng sẽ được đưa ra quyết định sớm.
Đề xuất lập 3 điểm trung chuyển xung quanh sân bay
Trước đó, chia sẻ trên báo chí, để giải quyết tình trạng kẹt xe trầm trọng tại đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, Thạc sĩ Hứa Bá Minh, cán bộ Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam – Bộ Xây Dựng, đề xuất lập 3 điểm trung chuyển xung quanh sân bay.
Đầu tiên, ông Minh xác định vị trí 3 trạm trung chuyển là công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định và 1 trạm tại khu vực sân golf kế bên sân bay hiện nay. Theo ông, trạm tại vị trí sân golf khá quan trọng vì nếu đặt trạm trung chuyển tại đây và mở thêm 1 cửa ra vào thì sẽ phục vụ lượng hành khách phía Tây và phía Bắc thành phố (quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi) và các tỉnh tiếp giáp. Từ đây sẽ đi bên trong đường vành đai sân bay, chạy sát tường rào đường Trường Chinh để đến nhà ga quốc nội hoặc quốc tế, tuyến này dài nhất khoảng 4km nhưng sẽ phá thế độc đạo đi vào sân bay hiện nay.
Ông cho rằng: “Được vậy, các xe sẽ không phải chạy vòng qua đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Kiệm để ra vào sân bay nên cũng sẽ giảm được tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh”.
Về phương tiện trung chuyển, ông Minh đề nghị sử dụng các xe buýt riêng chở được nhiều người nhất có thể (giống xe buýt trung chuyển từ nhà ga sân bay ra đến máy bay, tạm gọi là xe buýt TSN). Đi kèm đó là quy định không cho phép tất cả các loại phương tiện vào trong sân bay (trừ khách VIP hoặc các xe ưu tiên).
Ông Minh phân tích: Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đón khoảng 100.000 khách trong nước và quốc tế đi đến mỗi ngày, nếu trung bình 1 chuyến xe buýt TSN chở được khoảng 80 người thì cần khoảng 1.300 chuyến ra vào các trạm/ngày. Nếu có 3 trạm trung chuyển thì hàng ngày mỗi trạm xe buýt TSN sẽ ra vào trạm trung bình 400-500 chuyến tùy trạm, chia trung bình 18 tiếng hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, khi đó trung bình cứ 3 phút phải có một xe buýt TSN đến hoặc đi tại 1 trạm (cao điểm 2 phút/ chuyến, thấp điểm 20 phút/ chuyến).
Thời gian khách lên xe, chạy từ trạm trung chuyển đến sân bay, trả khách xuống nhà ga hoặc ngược lại dự kiến mất khoảng 10 phút, với trạm tại sân golf dự kiến mất khoảng 20 phút. Lượng xe buýt vào và ra sân bay sẽ phụ thuộc vào số lượng chuyến bay đến và đi trong ngày vào từng thời điểm, có sự phối hợp giữa sân bay và trạm trung chuyển để xe buýt TSN khi vào trong sân bay có thể chờ để chở khách ra ngoài trạm trung chuyển hoặc ngược lại, khi đó thời gian sẽ được rút ngắn hơn nữa. Theo tính toán mỗi trạm cần phải có tối thiểu 15 xe buýt TSN. Nếu lượng khách tăng thì đầu xe sẽ tăng lên.
Ngoài giải pháp lập trạm trung chuyển và đưa khách vào sân bay bằng xe buýt, ông Minh còn đề nghị kết hợp các giải pháp phụ khác như: tuyên truyền hướng dẫn hành khách trước và sau khi đi máy bay, kể cả người dân về việc sử dụng xe buýt TSN, check in qua mạng hoặc tại trạm trung chuyển thì dư địa của sân bay sẽ tăng, luôn đảm bảo cho tuyến đường của xe buýt TSN được thông thoáng, xe buýt TSN phải được ưu tiên, có còi hụ vừa phải khi cần thiết, đèn chiếu nhấp nháy để các xe chạy trên đường phải né ngay vào làn trong, có CSGT hỗ trợ vào giờ cao điểm,…
Theo tính toán của ông Minh, chi phí dự kiến cho đề án này cho việc xây dựng công trình, sân bãi, nhà chờ tại 3 trạm trung chuyển (chưa kể giá trị đất của công viên, sân Golf), 50 xe buýt TSN, máy móc kỹ thuật trang thiết bị cho các trạm chỉ trên dưới 300 tỷ đồng (tạm tính).
Điều quan trọng hơn là thời gian dự kiến từ thời điểm khởi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đề án này nếu ưu tiên thực hiện nhanh chỉ trong vòng 3 tháng. Với thời gian thực hiện ngắn, theo ông Minh thì giải pháp này có thể phát huy hiệu quả nhanh hơn hẳn các giải pháp khác và có thể kéo dài thời gian cho đến lúc sân bay Long Thành xây dựng xong giai đoạn 1.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)