Cách đây gần 5 năm, vào ngày 7/7/2014, giá xăng RON 92 được Petrolimex bán với giá 25.640 đồng/lít, còn xăng RON 95 lên tới 26.140 đồng/lít.
Đây được coi là mức giá cao nhất trong lịch sử của giá xăng ở Việt Nam.
Sau mốc đỉnh cao đó, giá xăng dầu liên tục lao dốc. Trong đó, năm 2016 là năm ghi nhận giá xăng thấp nhất trong nhiều năm. Có thời điểm, giá xăng RON 92 chỉ còn 13.750 đồng/lít còn xăng RON 95 chỉ còn 14.450 đồng/lít (kỳ điều chỉnh ngày 18/2/2016). Đó là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2009.
Cả năm 2016, 2017, giá xăng không vượt quá 20.000 đồng/lít. Đó cũng là thời điểm giá dầu thô lao dốc mạnh. Giá dầu thế giới giảm từ mức giá trên 100 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống gần 37 USD/thùng. Đặc biệt, có thời điểm giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng.
|
Giá xăng dầu có khả năng tiếp tục giảm. Ảnh: Lương Bằng |
Mức giá thấp của xăng dầu được duy trì đến hết 2017, trước khi bật tăng trở lại vào giữa năm 2018 và đến giữa năm 2019 giá xăng hướng đến mốc cao nhất thiết lập vào năm 2014.
Giờ đây, người dùng có niềm tin vào một thời điểm giá xăng có thể ở mức thấp như từng có vào năm 2016. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục giảm mạnh. Đến hết năm 2019, giá xăng E5 là 19.880 đồng/lít thì nay đã giảm hơn 1.500 đồng/lít, còn 18.340 đồng/lít. Xăng RON 95 giảm gần 1.900 đồng/lít.
Cơ hội để giá xăng tiếp tục giảm là rất rõ ràng. Thời điểm giá xăng chỉ gần 14.000 đồng/lít vào 18/2/2016, giá xăng RON 92 ở mức 40,5 USD/thùng, còn giá dầu thô ở khoảng 39 USD/thùng.
Còn tại thời điểm ngày 6/3/2020, giá xăng RON 92 vẫn ở mức trên 54 USD/thùng, xăng RON 95 là 56 USD/thùng.
Nếu giá xăng trung bình dao động quanh ngưỡng 54-56 USD/thùng, thì giá bán lẻ xăng E5 và xăng RON 95 cũng hạ xuống còn hơn 17.000 đồng/lít.
Nếu giá xăng tiếp tục giảm xuống còn 40 USD/thùng, giá xăng mới về lại ngưỡng dưới 15.000 đồng/lít.
Giá dầu thô hiện tại ở mức 32-35 USD/thùng sau khi đã trải qua một cú sụt giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, giảm tới 30%. Cơ hội để giá dầu phục hồi là rất mỏng manh khi nhu cầu thế giới xuống thấp bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất đồng về cắt giảm sản lượng giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới là một trong những lý do khiến giá dầu giảm mạnh. Dầu thô lao dốc sau khi Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP) với các sản phẩm thêm 6-8 USD/thùng, đồng thời gia tăng sản xuất. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không chung quan điểm về việc giảm thêm sản lượng nhằm cứu vãn giá dầu.
Đối với Việt Nam, giá xăng dầu lao dốc khiến “kẻ cười người khóc”. Việc giá dầu thô giảm kéo theo giá xăng dầu giảm có mặt tích cực là giúp các doanh nghiệp sản xuất, vận tải giảm được chi phí; người dân bớt đi gánh nặng trong bối cảnh nhiều hàng hóa tăng cao, thu nhập sụt giảm.
Thế nhưng, mặt tiêu cực là các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề do giá giảm. Số thu ngân sách từ dầu thô cũng sẽ giảm đáng kể.
Tại cuộc họp của Ủy ban quản lý vốn nhà nước mới đây, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lo lắng khi giá dầu thô lao dốc do nhu cầu giảm. “Các tổ chức đều dự báo một bức tranh rất xấu. Các nghiên cứu của OPEC đánh giá nhu cầu dầu thô giảm mạnh”, ông Hùng lưu ý. “Ngành dầu khí khai thác một ngày 230.000-280.000 thùng/ngày. Giá dầu giảm 1 USD thì dầu khí bị tác động 1 USD/thùng, con số suy giảm là rất lớn”.
“Các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, chênh lệch giá dầu thô và giá bán thành phẩm chỉ 3USD mà điểm hoà vốn Dung Quất là 5 USD, Nghi Sơn 12 USD. Tồn kho cả đầu vào và đầu ra rất lớn”, Tổng giám đốc PVN chia sẻ.
Theo báo cáo của PVN, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giá dầu thô, giá xăng dầu giảm, tình hình tiêu thụ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng của tập đoàn như xăng, dầu, đạm... sụt giảm. Quá trình triển khai các hoạt động dịch vụ dầu khí của các đơn vị trong PVN trên thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet