Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày như hiện tại.
Trường hợp ngày điều hành giá là ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ của chu kỳ tính giá.
Đối với trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng (phương án 1 tăng trên 10%, phương án 2 tăng trên 7%), Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Trường hợp giá cơ sở tăng quá cao dẫn đến việc tăng giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước.
Trước đó, góp ý cho dự thảo Nghị định, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Điểm đáng lưu ý của dự thảo Nghị định là quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt, thương nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% vốn.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đưa ra hai phương án về định mức dự trữ xăng dầu bắt buộ: một là giảm dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày; hai là giữ nguyên quy định dự trữ 30 ngày. Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ bắt buộc tối thiểu là 5 ngày.
Theo Phạm Tuyên/Tiền Phong