Giá vàng “lên đồng”
Ngày 29/11, giá vàng trong nước bất ngờ lập đỉnh và phá vỡ kỷ lục trong 2 năm gần đây. Theo đó, giá vàng miếng SJC chạm ngưỡng 74 triệu đồng/lượng rồi giảm nhẹ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn SJC cũng lên mức gần 63 triệu đồng/lượng.
Trong 10 năm qua, giá vàng đã trải qua vài cơn sốt giá như hiện nay. Dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát năm 2020, nhà đầu tư tìm tới vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Khi nhà đầu tư vượt qua nỗi sợ COVID-19, giá vàng dần ổn định. Mỗi khi xung đột vũ trang ở một số khu vực như Nga - Ukraine; xung đột vũ trang tại Trung Đông cũng khiến vàng tăng sốc.
Ở thị trường trong nước, qua từng năm, giá vàng lập mặt bằng mới. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 10-15 triệu đồng/lượng. Thậm chí, một số giai đoạn, chênh tới 20 triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn tròn trơn, giai đoạn 2015-2016, giá vàng quanh mức 34-35 triệu đồng/lượng; tăng dần lên ngưỡng 37-40 triệu đồng/lượng ở giai đoạn 2018-2019, duy trì khoảng 45-47 triệu đồng/lượng năm 2020 và từ 2021 tới nay luôn trên 50 triệu đồng/lượng.
Đầu năm 2023, cơ quan chức năng bắt giữ đường dây vàng lậu từ bên ngoài vào Việt Nam, khởi tố một số doanh nghiệp vàng uy tín cũng trùng giai đoạn, giá vàng nhẫn tròn trơn liên tục tăng.
Dù giá vàng tăng nhưng lượng khách hàng giao dịch không tăng đột biến so với thường ngày. Chị Thu Hiền - nhân viên một cửa hàng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, giá vàng SJC vượt ngưỡng 74 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn vượt 62 triệu đồng/lượng, nhiều người nắm giữ vàng có xu hướng “chốt lời”.
“Những năm trước khi vàng tăng mạnh, một số người có xu hướng mua vàng lướt sóng khiến lượng giao dịch tăng hơn bình thường. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, khi vàng tăng, người dân đến bán nhiều hơn mua”, chị Hiền chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đà tăng của vàng trong nước một phần do giá vàng thế giới vọt lên gần 2.050 USD/ounce. Ông Hùng nhận định, đà tăng của vàng trong nước nhanh hơn giá vàng thế giới.
“Tỷ giá có thể tăng từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế còn chậm, đồng Việt Nam có thể tiếp tục mất giá thời gian tới sẽ đẩy giá vàng lên. Ở thời điểm sốt giá, người mua vàng đối diện rủi ro. Vì vậy, trước khi nắm giữ vàng, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm: thời gian nắm giữ vàng ít nhất 6 tháng, tuyệt đối không đi vay tiền để mua vàng. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng 1/3 số tiền đang có mua vàng, và chia vào kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản”.
“Trong bối cảnh giá vàng biến động nhanh như hiện nay, doanh nghiệp phải nới khoảng cách giá mua vào - bán ra nhằm giảm rủi ro. Doanh nghiệp không dám “ôm” vàng để giữ giá bởi giá có thể giảm nhanh. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp không dám mua vàng trôi nổi nên vàng SJC chỉ quay vòng giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.
Khó đoán nên rủi ro cao
Phiên giao dịch ngày 29/11, giá vàng miếng SJC ở mức 72,5 - 74 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tròn trơn 61,3 - 62,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, rất khó dự báo giá vàng lên hay xuống thời gian tới. Thị trường vàng biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện. Phân tích về việc giá vàng thế giới bị “đẩy” lên, ông Hiếu cho hay do chỉ số USD Index giảm mạnh, về mức 103 điểm. Giá trị đồng USD bị sụt giảm dẫn tới giá vàng thế giới có xu hướng tăng lên.
Theo ông Hiếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mở ra khả năng không tăng lãi suất, bởi chỉ số lạm phát đang dần hạ nhiệt. Mỹ không tăng lãi suất cũng làm giảm sự hấp dẫn của đồng USD. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng lên. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của các nước châu Âu không khả quan, xung đột về quân sự, chính trị vẫn còn tiếp diễn trên thế giới khiến nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Nhận định về giá vàng trong nước từ nay đến cuối năm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước Tết và trong Tết Nguyên đán.
“Tỷ giá có thể tăng từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế còn chậm, đồng Việt Nam có thể tiếp tục mất giá thời gian tới sẽ đẩy giá vàng lên. Ở thời điểm sốt giá, người mua vàng đối diện rủi ro. Vì vậy, trước khi nắm giữ vàng, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm: thời gian nắm giữ vàng ít nhất 6 tháng, tuyệt đối không đi vay tiền để mua vàng. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng 1/3 số tiền đang có mua vàng, và chia vào kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản”, ông Hiếu khuyến nghị.
Theo N.Mai - N.Linh/ Tiền Phong