Giữa “cơn chấn động” của giá vàng khi lần lượt xuyên thủng mốc cao nhất mọi thời đại, bà Ân vẫn ôm gần 10 lượng vàng trong nhà, không chịu mang bán.
Trong ngày 26-27/12/2023, thị trường chứng kiến cảnh “điên loạn” của giá vàng khi trong một ngày, giá vàng được điều chỉnh liên tục hàng chục lần.
Vào sáng ngày 26/12, có thời điểm, vàng SJC lên tới mức 80,3 triệu đồng/lượng rồi lại quay về mốc 79,2 triệu đồng/lượng vào buổi chiều cùng ngày.
Ngày 27/12, mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng miếng SJC liên tục được điều chỉnh tăng lên mức 79,7 triệu đồng/lượng và lại lên mốc 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng lại nhanh chóng trở về mức 79,5 triệu đồng/lượng.
Cùng với đó, giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh mới, lên mức 64,4 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Khách xếp hàng mua bán trong ngày giá vàng leo lên mức 80,3 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng tăng nhanh như tên bắn, thế nhưng, bà Ân, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn “bình chân như vại” vì bà mua vàng nhằm dự trữ tài sản chứ không có ý định kinh doanh hay mua đi bán lại.
Cầm trên tay một tập đủ các loại hóa đơn mua bán vàng qua các năm, bà Ân cho biết, từ 30 năm nay, cứ tiết kiệm được tiền là bà lại đi mua vàng cất đi để “giữ nhà”.
“Thời còn đi làm công nhân môi trường, lương tháng chỉ được vài trăm nghìn đồng/tháng tôi cũng tích cóp vài tháng đi mua vàng một lần. Giờ già cả, có lương hưu thì tiêu chừng nào còn chừng nào lại mang đi mua vàng hết. Tết đến con cháu biếu tiền, ra Tết tôi lại đi mua vài chỉ cất đi”, bà Ân nói.
Vì coi vàng như tài sản để tích lũy, tiết kiệm và “giữ nhà” nên khi có việc lớn cần dùng đến tiền như mua nhà, mua xe, mua đất, thậm chí là cho người nhà vay mượn, bà Ân cũng dùng vàng để giao dịch.
Tại thời điểm giá vàng lên trên mức 80 triệu đồng/lượng thì bà Ân lãi 60 triệu đồng/lượng vì mua vàng cất két từ năm 2009.
“Tôi sinh năm 1935. Có 6 người con, 14 đứa cháu và 5 đứa chắt. Khi các con lớn, tôi dùng vàng để làm của hồi môn tặng con. Lúc các con làm nhà, mua đất, cần giúp đỡ thì tôi cho mượn vàng, sau đó có của ăn của để thì lại tích cóp mua lại trả cho tôi chứ tôi không cho luôn. Như vậy các con mới có ý chí phấn đấu”, bà Ân nói.
Không chỉ cho con vay, bà Ân còn mua vàng cất két để làm phần thưởng cho các cháu khi đỗ Đại học hay khi lập gia đình. “Ví dụ cháu nào đỗ Đại học tôi tặng cho 2 chỉ, lấy chồng hoặc lấy vợ tôi cho 2 chỉ. Bây giờ, một nửa số cháu đã học xong Đại học, ra trường và lập gia đình rồi nhưng tôi vẫn còn gần 10 cây vàng”, bà Ân nói.
Theo bà Ân, trong số vàng hiện tại còn trong nhà, có 2 lượng vàng SJC bà mua lâu nhất là từ năm 2009, lúc vàng có giá 20 triệu đồng/lượng, gần nhất là 9 chỉ vàng nhẫn được mua đầu năm 2023 với giá 55,6 triệu đồng/lượng.
Nếu bây giờ bán, số vàng bà mua cách đây 14 năm đã lãi ngay 60 triệu đồng/lượng, còn 9 chỉ vàng mua đầu năm đã có lãi gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, bà vẫn nhất quyết không mang bán.
“Dù giá cao như thế nào tôi cũng không bán vì bán không để làm gì. Mình không kinh doanh nên không quan trọng lãi hay lỗ, cũng chưa có việc lớn gì cần phải chi tiêu nên cứ để đó thôi. Bảo quản, cất giữ cũng dễ dàng hơn tiền mặt”, bà Ân bày tỏ.
Trong ngày giá vàng lên vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, nhiều người đến giao dịch mua bán, xếp hàng chật kín cửa hàng vàng.
Theo hãng tin Reuters, ngày càng nhiều bạn trẻ theo đuổi cách mua vàng kiểu “ông bà cụ” khi chỉ đơn thuần mua kim loại quý nhằm dự trữ tài sản chứ không có ý định đầu cơ gì trên thị trường. Thậm chí, nhiều gia đình mua vàng đơn thuần chỉ để làm của hồi môn, hoặc tặng quà cho con cháu khi kết hôn.
Tuy nhiên, chính cách tích trữ vàng kiểu “không biết gì” này lại đem lại mức lợi nhuận “khổng lồ” cho những người lớn tuổi. Tính mức giá chốt phiên cuối năm 2000 giá vàng chỉ 272,65 USD/ounce thì hiện tại, giá vàng đang giao dịch ở mức 2.066,76 USD/ounce. Tức là, chỉ trong 23 năm, giá vàng đã tăng đến hơn 650%.
Theo Tấn Phát/Người đưa tin