Điều này bắt nguồn từ thực trạng đồng USD vững giá và nhà đầu tư hướng tới các tài sản rủi ro nhiều hơn sau các số liệu tích cực về nền kinh tế Mỹ.
Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 8 giờ 10 phút ngày 5/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.312,15 USD/ounce, sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất (1.308,20 USD/ounce) kể từ ngày 29/1/2019 trong phiên giao dịch trước đó.
|
"Sức khỏe" đồng USD đã tác động đến giá vàng. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,2% xuống còn 1.316,50 USD/ounce.
Các thị trường tài chính của Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán trong cả tuần này.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới trong tháng 1/2019 đã tạo được 304.000 việc làm mới, tăng gần gấp hai lần so với dự kiến và là mức tăng nhiều nhất trong gần một năm. Trong khi mức tăng lương vẫn giữ ổn định trên mức lạm phát.
Còn theo số liệu công bố ngày 1/2 của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ đã cải thiện trong tháng 1/2019, nhờ sản lượng và số đơn hàng mới tăng nhanh hơn.
Cụ thể, chỉ số PMI tháng 1/2019 của Mỹ ở mức 54,9 điểm, tăng so với 53,8 điểm ghi nhận được trong tháng trước đó, cho thấy sự cải thiện trong thể trạng chung của lĩnh vực sản xuất.
Đồng USD ổn định so với các đồng tiền mạnh trong ngày 5/2, nhờ nhu cầu đối với các tài sản rủi ro của giới đầu tư hồi phục. Trong ngày 5/2, chỉ số đồng USD - thước đo giá trị đồng USD so với giỏ gồm sáu đồng tiền chủ chốt khác - ổn định ở mức 95,824 (điểm) sau khi tăng trong 3 phiên liên tiếp.
Trong khi đó, lượng vàng do quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm 0,50% xuống còn 813,29 tấn trong ngày 4/2.
Theo Anh Quân/TTXVN