Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,90 - 57,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua - bán hiện là 1.500.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 55,25 - 56,95 triệu đồng/lượng, giảm 1.100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 27/7. Chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua 1.700.000 đồng/lượng.
|
Vàng được đánh giá đã tăng giá quá nóng thời gian gần đây do nhiều yếu tố. (Nguồn: CNBC) |
Chốt phiên giao dịch ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 1.930,1 USD/oz, giảm 47,1 USD/oz so với chốt phiên giao dịch ngày 27/7.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank (23.270 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương 54,11 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 3,29 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia nhận định, mặt hàng kim loại quý vẫn tiếp tục tăng dữ dội. Vàng được đánh giá đã tăng giá quá nóng thời gian gần đây và mặt hàng này vẫn được dự báo còn dư địa để lên tới mốc 2.000 USD/ounce.
Trong hơn 1 tuần qua, giá vàng tăng sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 giảm xuống 92,6 điểm, so với mức 98,3 điểm trong tháng trước đó. Các nhà kinh tế trước đó dự báo con số này là 94,5 điểm.
Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ ít lạc quan về triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới trong ngắn hạn. Niềm tin giảm mạnh tại nhiều bang như Michigan, Florida, Texas và California sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các khu vực này.
Vàng tăng giá còn do giới quan sát thị trường dự báo xung đột Mỹ-Trung có thể chuyển sang giai đoạn mới, một cuộc chiến về vốn và cuộc chiến này có thể tác động tiêu cực đến đồng USD.
Trên Kitco, theo Bridgewater Associates, chính sách tài khóa nới lỏng của Mỹ và sự xa cách về ý thức hệ đang đẩy đồng USD suy giảm.
Theo Việt An/ Thế Giới & Việt Nam