Năm 1971, Silvio Gazzaniga, nhà điêu khắc người Italy, đã thiết kế chiếc cúp dùng trong World Cup trị giá 50.000 USD. Hiện nay, chiếc cúp này ước tính trị giá lên đến 10 triệu USD. Tuy nhiên, World Cup trị giá hơn rất nhiều biểu tượng được đúc bằng vàng 18 carat, tờ Conversation nhận định.
Lợi ích nào cho nước chủ nhà và FIFA?
Cách mà các quốc gia cạnh tranh để trở thành nơi đăng cai World Cup khiến người ta cảm thấy sự kiện này mang lại giá trị đáng kể.
Các chuyên gia ước tính World Cup năm 2002 tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã tạo tác động tích cực lên nền kinh tế, đóng góp đến 9 tỷ USD. Trong khi đó, con số đối với World Cup 2006 tổ chức tại Đức là 12 tỷ USD và tại Nam Phi năm 2010 là 5 tỷ USD. Tại Brazil, con số dao động 3-14 tỷ USD.
|
Người Brazil trang trí trên bãi biển chào đón World Cup 2014. Ảnh: Getty. |
Các báo cáo mang tính tích cực chỉ ra rằng giải đấu mang về thêm gần 30 tỷ USD vào GDP của Brazil trong giai đoạn 2010-2014, tạo ra 3,63 triệu việc làm mỗi năm và tăng thêm 8 tỷ USD tiền thuế.
Sự kiện lớn nhất hành tinh của FIFA thu hút thêm 3,7 triệu khách du lịch đến với quốc gia này. Mỗi người trong số đó chi tiêu trung bình 2.488 USD.
Cũng có những tín hiệu đáng mừng khác qua chỉ số được cho là “có vẻ tốt” liên quan đến World Cup. Trước World Cup 2006, tại Anh, 70% nam giới và 62% phụ nữ thông tin giải đấu ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của họ. Ngược lại, 62% nam giới và 52% phụ nữ khảng định nếu đội tuyển quốc gia của họ thi đấu tốt, họ sẽ có thêm nhuệ khí.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ tăng doanh thu 2 tỷ USD bởi những nhu cầu như mua bia, pizza, thiết bị nướng thịt và tivi tăng.
|
Tác động dự kiến của World Cup đối với nước chủ nhà. Đồ họa: Kim Ngân. |
Ngoài ra, đối với Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), World Cup còn là con gà đẻ trứng vàng và mang về thu nhập chính cho cơ quan này.
Trong giai đoạn 1998-2002, FIFA báo cáo một “kết quả tích cực” với 129 triệu USD (lưu ý, báo cáo của FIFA không đề cập tới “lợi nhuận”). Vào cuối giai đoạn 4 năm tiếp theo, đến năm 2006, con số này tăng lên 339 triệu USD. Từ năm 2006 đến năm 2010, “kết quả tích cực” tăng gần gấp đôi, lên 705 triệu USD.
Sau đó, FIFA dùng một phần số tiền trên để đầu tư lại vào World Cup. Năm 2013, tổ chức này chi 183 triệu USD vào các dự án phát triển giải bóng đá lớn nhất hành tinh và quyết định trao cho đội chiến thắng số tiền thưởng 35 triệu USD.
Các đối tác thương mại chính của FIFA cũng vui vẻ. Trong hành trình tới trận chung kết ở Nam Phi, Adidas bán 6 triệu áo bóng đá, tăng 3 triệu áo so với kỳ World Cup trước đó tổ chức tại Đức vào năm 2006. Tương tự, kênh YouTube của Visa tăng 7,5 triệu lượt xem, cao hơn 50% so với mong đợi.
Mặt trái của tấm huy chương
Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy sự thật không hoàn toàn “màu hồng”. Thực tế, các ước tính về tác động tích cực ở trên thường do các chuyên gia được chính phủ thuê hoặc các chính phủ công bố. Xét cho cùng, chẳng chính trị gia nào muốn trả tiền cho các nhà kinh tế để nhận lại thông tin World Cup sẽ gây lãng phí.
Vì vậy, trong khi các nhà dự báo lạc quan về con số tăng trưởng kinh tế 3-14 tỷ USD tại Brazil, các nhà phê bình thông tin tổ chức giải đấu khiến quốc gia này phải chi đến 11,5 tỷ USD. Chỉ riêng chi phí sân vận động đã tốn 3,68 tỷ USD, tăng gấp 3 so với dự kiến.
|
Chi phí xây dựng sân vận động phục vụ World Cup các kỳ 2006, 2010 và 2014. Đồ họa: Kim Ngân. |
Ngoài kinh tế, Brazil còn chịu thiệt hại về mặt xã hội. Từ tháng 11/2013, trung bình mỗi tháng lại có một công nhân xây dựng thiệt mạng trong khi làm việc tại các dự án liên quan đến World Cup.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Brazil. Theo số liệu của Qatar, trung bình mỗi ngày lại có một công nhân thiệt mạng khi làm việc trong dự án liên quan đến giải đấu năm 2022.
Suốt thời gian diễn ra Cúp liên đoàn các câu lục năm 2013 tại Brazil (một giải đấu khởi động trước khi World Cup bắt đầu), những cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp đất nước. Những vấn đề khiến người dân bức xúc trải dài từ vấn đề tham nhũng, số tiền nộp cho FIFA đến việc tăng giá vé xe bus.
Các cuộc biểu tình như vậy làm tăng thiệt hại ngân sách. Thực tế, tính đến tháng 6/2014, chính phủ Brazil đã chi khoảng 855 triệu USD để tăng cường an ninh quốc gia.
Số tiền này xuất phát từ chiến dịch dọn sạch khu ổ chuột, dẫn đến nhiều lãnh đạo băng đảng, kẻ buôn ma túy và những tội phạm khác thiệt mạng. Song, bất chấp các nỗ lực tăng cường an ninh, tội phạm ở Brazil vẫn hoành hành, thậm chí nhiều hơn trước. Tháng 1/2014, có 430 báo cáo về tình trạng trộm, cướp xảy ra trên xe bus tại thành phố Rio de Janeiro - so với 195 trường hợp tại thời điểm tháng 1/2013.
Cầu thủ bóng đá huyền thoại Romario de Souza Faria trở thành người phản đối nổi bật nhất khi cho rằng giải đấu tốn kém “làm tê liệt” đất nước. Dù là cư dân khu ổ chuột, hành khách xe bus hay cầu thủ bóng đá, nhiều người Brazil nghĩ rằng World Cup đơn giản là không đáng.
|
Romario cho rằng Brazil đã chi quá nhiều vào World Cup. Ảnh: Jose Cruz. |
Tổng lợi ích bằng 0?
Bất ổn dân sự, tội phạm và các chi phí chỉ là một phần trong câu chuyện. Những sự kiện thể thao lớn mang tính toàn cầu thường đem đến cho nước chủ nhà rất nhiều fan hâm mộ. Tuy nhiên, du khách bình thường lại bỏ đi.
Nói theo cách khác, những giải như World Cup là một trò chơi mà tại đó, tổng lợi ích các bên bằng 0. Trong thời gian World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, 309.000 du khách đến đây. Tuy nhiên, phần còn lại trong năm, quốc gia này đón trung bình 620.000 khách mỗi tháng.
Cũng tại Nam Phi, một trường đại học đã sắp xếp số phòng tương ứng với 92.000 đêm chỉ để phục vụ World Cup. Ngay trước ngày trái bóng lăn, đại lý đặt chỗ của FIFA đã trả lại 91.000 đêm vì không sử dụng.
Bên cạnh đó, một hiệu ứng tiêu cực khác của World Cup cũng ảnh hưởng không chỉ với chủ nhà. Ở châu Âu, nhiều trận đấu bắt đầu vào buổi tối. Tại Bắc Mỹ, chúng diễn ra vào giữa ngày thường trong khi ở châu Á là nửa đêm.
Bóng đá có thể rất thú vị nhưng không ông chủ nào muốn thấy 1/2 lao động của họ đến muộn, mệt mỏi hay say rượu. Nghiên cứu về tỷ lệ việc làm cho thấy World Cup có thể khiến nền kinh tế Anh trả giá khoảng 6,7 tỷ USD.
Theo Kim Ngân/Zing