Giá ngoại tệ hôm nay (16/7): Đồng USD chịu sức ép

Google News

Tỷ giá ngoại tệ ngày 16/7 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường thế giới tiếp tục chịu sức ép từ kỳ vọng của thị trường về khả năng nước Mỹ sẽ có những bước đi nới lỏng chính sách tiền tệ một cách cụ thể.

Đầu phiên giao dịch ngày 16/7 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,89 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1261 USD; 107,88 yen đổi 1 USD và 1,2533 USD đổi 1 bảng Anh.
Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 97 điểm trước sức ép từ kỳ vọng của thị trường về khả năng nước Mỹ sẽ có những bước đi nới lỏng chính sách tiền tệ một cách cụ thể.
Sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng loạt các lời chỉ trích cũng như tín hiệu từ các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy Fed sẽ sớm giảm lãi suất.
Gia ngoai te hom nay (16/7): Dong USD chiu suc ep
 
Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với đồng USD được cân bằng chút ít bởi nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Nhật.

Mời quý vị xem video: Bắt giữ số lượng lớn ngoại tệ vận chuyển trái phép qua cửa khẩu

Trước đó, NHTW Úc đã giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm xuống mức 1% trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giảm thất nghiệp và nâng lương. Các NHTW Iceland, Chi Lê, Ấn Độ, Nga, New Zealand… cũng đều đã giảm lãi suất 25-75 điểm phần trăm.
Nhật Bản duy trì lãi suất âm 0,1% trong khi Thụy Điển và Thụy Sỹ lần lượt âm 0,25% và 0,75%.
Những số liệu kinh tế của Trung Quốc vừa công bố cho thấy nền kinh tế nước này chịu ảnh hưởng khá mạnh từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố dữ liệu GDP quý 2/2019 với những con số khá thất vọng nhưng trùng khớp với dự báo của nhiều chuyên gia phương Tây. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ còn 6,2%, so với mức 6,4% trong quý 1.
Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp lịch sử của Trung Quốc, thấp nhất kể từ đầu năm 1992 thời điểm mà lần đầu tiên dữ liệu kinh tế hàng quý được ghi nhận. Kết quả này được cho do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong khoảng 1 năm qua.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 15/7, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.140 đồng/USD và 23.260 đồng/USD.
Tới cuối phiên 15/7, Vietcombank và BIDV: 23.140 đồng/USD và 23.260 đồng/USD. Vietinbank: 23.141 đồng/USD và 23.261 đồng/USD. ACB: 23.130 đồng/USD và 23.250 đồng/USD.
Tính từ đầu năm 2018, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 350-375 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Chốt phiên giao dịch 15/7, tỷ giá Euro đứng ở mức: 25.922 đồng (mua) và 26.781 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 28.816 đồng (mua) và 29.278 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 207,9 đồng và bán ra ở mức 216,1 đồng.
Theo V.Minh/ Vietnamnet