Hiệu quả rõ rệt của cà phê hữu cơ
Vài năm trở lại đây, phong trào sản xuất cà phê theo phương thức hữu cơ đã và đang được nở rộ tại xã Ia Din (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Anh Nguyễn Hữu Thuận (trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Din) là một trong số những người tiên phong áp dụng phương thức hữu cơ cho vườn cà phê 1,5 ha của gia đình.
Chia sẻ về điều này, anh Thuận cho biết, trước đây gia đình chỉ sản xuất cà phê theo phương thức truyền thống và sử dụng phần lớn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Cũng chính vì việc quá lạm dụng phân bón, vật tư hóa học nên dẫn đến đất đai bị thoái hóa, cây cà phê nhanh suy giảm, già cỗi, năng suất kém.
Đến năm 2020, thông qua sự tìm tòi, học hỏi trên các trang mạng xã hội kết hợp với tham quan thực tế, anh Thuận đã biết đến mô hình sản xuất cà phê theo phương thức hữu cơ.
"Trồng và chăm sóc cà phê hữu cơ đơn giản nhưng phải tuân thủ đúng quy trình. Trong quá trình canh tác, tôi luôn nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Thay vào đó, tôi chỉ sử dụng các loại phân bón tự ủ như phân bò, phân gà để bón cho cây. Ngoài ra, trong vườn tôi cũng luôn để cỏ mọc tự nhiên để giúp đất tơi xốp, giữ độ ẩm tốt, chống xói mòn. Khi cỏ tốt, chỉ cần cắt bớt phần ngọn. Lớp cỏ được cắt lâu ngày sẽ hoai mục, trở thành phân xanh, tăng dinh dưỡng cho cây trồng. Đối với sâu hại, tôi áp dụng biện pháp cắt cành bệnh để tiêu hủy. Nếu cây mắc bệnh vượt ngưỡng, ông dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, hữu cơ để điều trị", anh Thuận chia sẻ.
Theo anh Thuận, so với canh tác cà phê theo lối truyền thống, canh tác theo hướng hữu cơ có nhiều lới ích. Đầu tiên, cành dài cành cho trái, số cành dự trữ của cây nhiều, sâu bệnh hại cũng hạn chế mức thấp nhất, năng suất tăng hơn nhiều so với sản xuất theo lối truyền thống, chi phí cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể.
"Nếu như trước đây, vườn cà phê của gia đình tôi canh tác theo lối truyền thống chỉ đạt sản lượng 4 tấn nhân/ha. Sau khi thay đổi phương thức canh tác, năng suất đã đạt 7-8 tấn nhân/ha. Cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ bảo đảm sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, được thị trường ưu chuộng, bán giá cao, đầu ra ổn định", anh Thuận nói.
Bên cạnh việc trồng và chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, anh Thuận cũng đã chế biến sâu các sản phẩm từ cà phê như cà phê bột, cà phê rang xay để xây dựng nên thương hiệu cà phê Nguyên Sang. Người đàn ông này đã đầu tư gần 500 triệu đồng để mua máy bóc vỏ và tách cà phê xanh, máy xay xát và máy rang xay cà phê.
Để đảm bảo chất lượng cà phê rang xay, anh Thuận luôn chú trọng đến việc tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào đồng đều. Theo đó, quả cà phê được hái chín với tỷ lệ 90% trở lên rồi chọn lọc, phân loại một cách tỉ mỉ, công phu trước khi đem rửa sạch và phơi lên giàn.
"Trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán khoảng 3 tạ cà phê bột không những ở tỉnh Gia Lai mà còn ở các tỉnh thành phía Bắc. Với mức giá khoảng 200 ngàn đồng/kg, mỗi tháng gia đình tôi thu về khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng đang lập hồ sơ để sản phẩm cà phê Nguyên Sang được công nhận là sản phẩm OCOP", anh Thuận nói thêm.
Nhân rộng mô hình
Cũng tại thôn Thống Nhất, anh Đoàn Văn Quỳnh cũng đã áp dụng phương thức hữu trên 2 ha cà phê của gia đình.
Anh Quỳnh cho biết, những năm trước, mỗi ha cà phê chỉ thu hoạch được 4 tấn nhân. Sau khi tham gia mô hình được hơn 2 năm, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững thì sản lượng tăng lên khoảng 6-7 tấn/ha, hạt cà phê đồng đều, lớn hơn, giá bán cao hơn so với cà phê sản xuất theo kiểu truyền thống.
"Nhờ kiên trì làm theo hướng hữu cơ mà đất đai trở tơi xốp hơn, những cây cà phê được xanh tốt. ít bị sâu bệnh. Cùng với, gia đình tiết kiệm được từ 25-30% chi phí vật tư đầu vào, phân bón, nhân công diệt cỏ mà năng suất vườn cà phê được duy trì ổn định qua từng năm. Cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ cũng rất được thị trường ưu chuộng, bán giá cao", anh Quỳnh nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thu Huề, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din cho biết, trên địa bàn xã hiện có 13 hộ dân liên kết trồng cà phê theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 18 ha.
Theo bà Huề, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng; tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các hội viên nông dân tập trung sản xuất cà phê hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ để bà con áp dụng", bà Huề cho hay.
Theo Hoàng Lộc/Dân Việt