Sau khi Indonesia thông báo sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm 2023 từ 2 nguồn chính là Việt Nam và Thái Lan, giá lúa gạo trong nước có xu hướng tăng, đặc biệt là các giống lúa thông dụng như: IR 50404, IR 50401, OM18, Đài Thơm 8,… ở mức từ 7.900 – 8.200 đồng/kg.
Mức giá này tương đương với các loại gạo thơm, đặc sản như: ST24, ST25 khiến các vùng trồng gạo đặc sản này bị thu hẹp.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối gạo nội địa cho hay nhiều vùng trồng liên kết nông dân chuyên giống ST25 nông dân chuyển đổi sang trồng giống OM18, Đài Thơm 8 do năng suất cao và dễ trồng hơn, lợi nhuận tốt hơn.
|
Giá lúa các giống thông dụng đang tương đương các giống lúa đặc sản
|
"Gạo ST25 được thị trường ưa chuộng nhưng không thể đẩy giá bán lẻ lên thêm nữa vì người tiêu dùng không chấp nhận. Chi phí sản xuất gạo ST25 cao nên doanh nghiệp không thể tăng giá mua lúa tương ứng theo mong muốn của nông dân. Do vậy, Tết này nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó về nguồn cung gạo ST25" – giám đốc công ty này lý giải.
Đối với các loại gạo thông dụng, nhiều chuyên gia cho biết tuy giá có tăng cao nhưng vẫn chưa bằng đợt sốt gạo hồi tháng 8.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An), cho rằng hiện nay giá gạo đã thiết lập mặt bằng mới, thị trường không còn biến động như 2 tháng trước.
"Thị trường khó có khả năng tăng mạnh một đợt nữa, chỉ loanh quanh mức giá như hiện nay, tăng giảm không nhiều" – ông Hòa dự báo.
Tại thị trường trong nước, giá gạo chia ra 3 phân khúc chính. Đó là gạo khô thường được làm bún bánh, cơm bình dân ở mức giá 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo trắng hạt dài từ 18.000 – 22.000 đồng/kg; gạo đặc sản hơn 30.000 đồng/kg.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu vào cuối tuần chốt ở mức 623 USD/tấn (loại 5% tấm) và 608 USD/tấn (loại 25% tấm), so với gạo Thái Lan cùng phẩm cấp cao hơn lần lượt là 42 USD/tấn và 75 USD/tấn.
Theo V.Ngọc/24h.com.vn