Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày 2/5 biến động trái chiều, lực bán có phần nhỉnh hơn, đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,23% xuống 2.249,51 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10%, lên hơn 5.000 tỷ đồng, với dòng tiền được phân bổ nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại.
Theo số liệu trên Đầu Tư Tài Chính tổng nhu cầu thức ăn (ngô, khô đậu tương, cám, bột cá...) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Hiện nay, nước ta đã có nhà máy sản xuất được khô dầu đậu tương. Tuy nhiên, sản lượng trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, tương đương với 35% nhu cầu. Phần còn lại phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo báo Hà Nội Mới giá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng vọt hơn 2% và chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11-2023. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh mùa vụ tại Brazil tiếp tục bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết.
Đặc biệt, khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%.
Trái lại với xu hướng quốc tế, giá chào bán khô đậu giao tháng 6 cập cảng Cái Lân ghi nhận đà giảm so với tuần trước, với mức giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện đang được giao ở khoảng 11.850 đồng/kg. Giá cập cảng Vũng Tàu cùng kỳ hạn được chào bán thấp hơn ở khoảng 11.700 đồng/kg.
Tính chung cả năm 2023, nước ta nhập khẩu hơn 1,86 triệu tấn đậu tương, trị giá đạt gần 1,17 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 8,3% về kim ngạch so với năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 629 USD/tấn, giảm 9,3% so với năm 2022.
Xét về thị trường, Brazil là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý trong năm 2023, quốc gia này đã xuất sang Việt Nam 987.569 tấn đậu tương, tương đương 586,08 triệu USD, chiếm 53,2% trong tổng lượng và chiếm 50,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước. Tuy nhiên giảm 7% về lượng, giảm 20,7% về kim ngạch.
Trúc Chi/Người đưa tin