Sáng 6/12, tại Hội nghị bất động sản Việt Nam 2019 (VRES), ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, giá chung cư tại trung tâm Hà Nội và TP HCM luôn cao hơn nhiều lần so với thu nhập bình quân.
Ông Anh đặt giả thiết với một nhân viên mới ra trường, trong cả quá trình mua nhà không có sự thăng tiến, mọi thu nhập chỉ dành cho mua bán bất động sản thì phải mất tới 28 năm để có thể sở hữu một căn hộ 2 tỷ đồng diện tích 70 m2, 2 phòng ngủ.
Với một nhân viên quản lý, trưởng phòng, thời gian này có thể là 7 năm, với trưởng nhóm có thể là 10 năm và với nhân viên có kinh nghiệm cũng phải tới 17 năm. Theo ông, điều đó cho thấy nhà ở có một giá trị cao và không đơn giản để sở hữu một bất động sản.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, giá bán căn hộ trung tâm TP HCM và Hà Nội trong khoảng 40 - 46 triệu đồng/m2, thường cao hơn khoảng 60% so với khu vực ngoài trung tâm. Mức giá tại quận Ba Đình, Hà Nội lên cao nhất 57 triệu đồng/m2, tiếp đến là quận 10, TP HCM với 54 triệu đồng/m2.
Tỷ suất lợi nhuận của chung cư tại Hà Nội và TP HCM đều đạt trên 5%, cao hơn nhiều so với Singapore (trên 3%), Jakarta, Bangkok (trên 4,5%) và ngang bằng Kualalumpur.
Người mua nhà ở thực vẫn quan tâm nhiều tới phân khúc bình dân. Tại Hà Nội, mức độ quan tâm là 67% còn TP HCM là 69%. Tuy nhiên, chuyên gia từ website chuyên về bất động sản trên nhận định thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung căn hộ, đặc biệt là phân khúc bình dân.
Trước đó, tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý 3 diễn ra hồi đầu tháng 10, Công ty DKRA Việt Nam (DKRA) cho biết giá nhà đất tại TP HCM tăng liên tục trong 5 năm qua. Đơn cử, vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Đất nền còn tăng chóng mặt hơn, giá đất một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây 5 năm.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA, căn hộ dưới 1 tỷ đồng hiện đã “tuyệt chủng”. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều.
Theo tính toán của DKRA Việt Nam, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi 9 triệu làm sinh hoạt phí, tích lũy 6 triệu đồng/tháng thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng.
Theo đó, nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà đã không còn đứng yên ở mức 1,5 tỉ đồng/căn mà có lẽ đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.
"Cách đây 5 năm, tôi xuống quận 9, giá đất chỉ khoảng 9-10 triệu đồng/m2, bây giờ quay lại hầu hết đã lên mức 50 triệu đồng/m2. Càng ngày giá bất động sản càng tăng cao, người mua ngày càng phải đi xa và càng khó tiếp cận cơ hội để mua nhà”, ông Lâm nói.
|
Giá căn hộ leo thang, cơ hội sở hữu nhà của người trẻ càng xa vời |
Đề xuất chính sách giúp người trẻ sớm mua được nhà, ông Lâm cho rằng Chính phủ phải có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính lâu dài hoặc kết hợp thành một chương trình nhà ở quốc gia chỉ dành cho những người mua nhà ở lần đầu.
Vấn đề nhà ở xã hội hiện tại cần có những cải tiến về quy trình thủ tục giấy tờ, đồng thời có những cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích chủ đầu tư tham gia nhiều hơn vào phân khúc này.
Khi quyết định sở hữu nhà ở, khách hàng cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm/dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.
Bên cạnh đó, người trẻ cũng cần phải có những kế hoạch dài hơi, làm sao để tỷ lệ tăng lương phải nhanh hơn mức tăng giá của bất động sản thì may ra người trẻ mới mua được nhà.
Gia Lai