Chạy xe 60 km tìm mua cây giống
Ghi nhận thực tế tại xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột - nơi được xem là trung tâm cung ứng giống cây lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và cho cả vùng Tây Nguyên, nhiều người dân đến xem, mua cây giống. Bởi thời điểm này, nơi đây đang vào mùa mưa, mùa xuống giống của các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp.
Sáng 16/6, ông Y Sư Niê (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cùng người cháu chạy xe công nông hơn 20 km lên cơ sở cây giống của Cty TNHH Nông lâm nghiệp Quốc Cường Ea Kmat (thôn 10, xã Hòa Thắng) mua 500 cây cà phê.
|
Ông Y Sư (bên phải) cùng cháu đi xe công nông lên thành phố mua giống cà phê.
|
Ông Y Sư cho biết, gia đình có khoảng 1,5 ha cà phê xen hồ tiêu và sầu riêng. Do cây cà phê được trồng cách đây hơn 20 năm đã già cỗi, nên ông quyết định chặt đi để tái canh.
“Mùa thu hoạch cà phê vừa qua, tôi bán hết lấy tiền để mua giống cây trồng lại. Các cây trong vườn như hồ tiêu, sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ đó, tôi không phải lo tiền sinh hoạt trong thời gian cà phê chưa có quả. Nghe giá cà phê đạt mức trên 60.000 đồng/kg, tôi mừng lắm. Với mức giá này, nông dân có lời rồi”, ông Y Sư cho hay.
|
Ông Y Sư chọn mua cây giống.
|
Vượt hơn 60 km từ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) lên TP.Buôn Ma Thuột mua giống cà phê, anh Mai Thanh Tùng chia sẻ, dưới huyện có nhiều cơ sở bán cây giống. Tuy nhiên, anh muốn lên thành phố, tìm nhà vườn uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Bởi, anh Tùng từng mua phải cây giống "dỏm", trồng được thời gian thì bị héo chết không rõ nguyên nhân.
“Chất lượng cây giống rất quan trọng, nếu mua phải giống dỏm, nông dân không chỉ mất tiền, còn tốn thời gian chăm sóc. Do đó, tôi và một vài anh em lên tận vườn ươm để chọn mua. Sau đó, chúng tôi góp tiền thuê xe chở cây giống về”, anh Tùng chia sẻ.
|
Người dân đi mua cây giống.
|
Hiện gia đình anh Tùng có 1,2 ha đất đang trồng cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, anh nhận thấy năng suất cà phê thực sinh không cao nên đợt này muốn mua khoảng 200 cây ghép về trồng xem sao. Nghe giá tăng cao, anh Tùng rất phấn khởi, nhưng tiếc vì không còn cà phê để bán.
“Mấy năm qua, giá cà phê dao động từ 30-40.000 đồng/kg trong khi giá phân bón, vật tư tăng cao nên người trồng không có lãi, thậm chí lỗ nếu hoàn toàn thuê nhân công chăm sóc”, anh Tùng nói thêm.
|
Mùa này, người dân tái canh cà phê rất mạnh.
|
Khuyến cáo không mở rộng diện tích
Bà Đào Thị Hoàng Nhi - đại diện Cty TNHH Nông lâm nghiệp Quốc Cường Ea Kmat, xã Hòa Thắng - cho biết, năm nay nhu cầu mua giống cà phê tăng cao, vượt dự báo của công ty nên có thời điểm “cháy hàng”.
Theo bà Nhi, công ty chuyên cung ứng giống cho các đối tác phát triển mô hình cà phê bền vững, ngoài ra làm thêm số lượng nhất định để bán cho nông dân chứ không cung ứng sỉ.
Các đối tác yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc cây giống, nhất là mắt ghép nên mỗi năm công ty sản xuất từ 10-14 vạn giống cà phê thực sinh và giống ghép. Tuy mới vào vụ nhưng cơ sở đã bán hơn 1 nửa số cây giống, còn lại là các đối tác đã đặt trước.
“Thời gian làm ra 1 cây giống mất khoảng 4-5 tháng cho giống thực sinh; còn giống ghép phải tốn khoảng 1 năm. Hiện, giá cà phê giống thực sinh từ 4.000 - 5.000 đồng/cây; cà phê ghép loại trung từ 11.000 - 14.000 đồng/cây, loại ghép lớn hơn thì 20.000 - 23.000 đồng/cây”, bà Nhi thông tin.
|
Một nông dân vừa tái canh cà phê.
|
Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cà phê tăng giá là tín hiệu vui cho nông dân. Hiện bà con đang tích cực tái canh, phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện lưu ý, diện tích cà phê của Tây Nguyên đang vượt quy hoạch nên khuyến cáo không mở rộng diện tích. Liên minh châu Âu vừa có quy định mới, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này nên người dân cần lưu ý. Hiện nhu cầu người dân tái canh mạnh sẽ có hiện tượng khan hiếm hàng, tuy vậy nông dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc để tránh mua phải giống không chất lượng…
Theo Huỳnh Thủy/Tiền Phong