Theo NHNN, giá bán vàng miếng SJC này được điều chỉnh theo phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 04 NHTMNN và SJC đã được Thống đốc NHNN phê duyệt. NHNN sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Cũng trong ngày 14/6, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM ban hành công văn 1832 gửi đến các cơ quan, ban, ngành về việc phối hợp thông tin tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật trong kinh doanh và mua bán vàng trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Còn các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Việc kinh doanh mua, bán vàng miếng khi không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng và mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 88/2019.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu số 4885 ngày 12/6/2024 yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng miếng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo rủi ro rửa tiền về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/7/2024.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 19 ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11 ngày 27/4/2023 Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09 ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 10064 ngày 28/12/2023.
Các đơn vị nói trên có trách nhiệm nghiêm túc chấp hành việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo quy định tại Điều 25; báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và thực hiện báo cáo bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ.
Các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh vàng, các trung gian thanh toán rà soát, cập nhật và gửi bổ sung báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, báo cáo kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, thông tin cán bộ đầu mối về phòng, chống rửa tiền (nếu có thay đổi)... về Cục Phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và hướng dẫn tại Thông tư số 09 ngày 15/7/2024.