Từ lâu, gan ngỗng Pháp (Foie Gras) đã được coi là biểu tượng của sự xa xỉ và gần như chỉ dành cho giới nhà giàu. Tại thị trường Trung Quốc, những loại gan ngỗng thượng hạng có thể bán với giá hàng chục nghìn NDT/miếng (tương đương khoảng vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng/miếng).
Song giờ đây, giá gan ngỗng tại Trung Quốc đã rơi “thẳng đứng” xuống chỉ còn 100 NDT/miếng khi có sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà chăn nuôi nội địa. Thậm chí, gan ngỗng do Trung Quốc sản xuất còn được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, bao gồm cả những thị trường nổi tiếng khắt khe về chất lượng như Liên minh Châu Âu và Nhật Bản.
Ban đầu, gan ngỗng Pháp chất lượng cao có thể bán với giá hàng chục nghìn NDT/miếng, về cơ bản là do sản lượng khan hiếm. Bởi không phải loài ngỗng nào cũng có thể được nuôi để lấy gan. Chỉ có một số giống nhất định như ngỗng Landes mới có thể cho gan ngỗng cao cấp với kỹ thuật chăn nuôi và chế độ ăn đặc biệt.
Nhưng khi Trung Quốc giải quyết được các vấn đề về kỹ thuật công nghệ, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, huyện Hoắc Khâu ở tỉnh An Huy, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất gan ngỗng, bởi nước và đất ở vùng này rất thích hợp để nuôi ngỗng Landes.
Sau hơn 40 năm, nông dân địa phương đã nắm vững các kỹ thuật chăn nuôi quan trọng để đảm bảo gan ngỗng có hương vị êm dịu và giàu dinh dưỡng. Đồng thời, các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc cũng đã cải tiến thức ăn chăn nuôi để đảm bảo hơn nữa năng suất sản xuất gan ngỗng. Ngày nay, tỷ lệ xuất hiện mảng bám máu trong gan ngỗng nội địa Trung đã giảm xuống còn 2%.
Ngày nay, đã có gần 150 công ty chuyên về gan ngỗng ở huyện Hoắc Khâu. Một số nhà phân tích thị trường nước này ước tính rằng, ngành công nghiệp gan ngỗng đã mang lại doanh thu gần 2 tỷ NDT (hơn 6.526 tỉ đồng) cho địa phương.
Hiện tại, theo Finance.Sina, sản lượng gan ngỗng Trung Quốc đã chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu. Giá gan ngỗng của Pháp vì vậy cũng buộc phải giảm mạnh.
Theo Finance.sina