|
Ông Cao Xuân Ninh (phải) bị nhiều cổ đông chất vấn về tư cách Chủ tịch và Chủ toạ trong ĐHĐCĐ lần 2 ngày 21/6. Người ngồi bên trái là Quyền TGĐ Nguyễn Cảnh Vinh. Ảnh: Xuân Tiên |
Nguồn tin riêng của Nhadautu.vn cho biết ông Cao Xuân Ninh đã có đơn từ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Nguồn tin cho hay trong đơn đề ngày 26/6/2019 gửi HĐQT Eximbank, ông Cao Xuân Ninh đề cập trong bối cảnh HĐQT và các nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hoà ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động Ngân hàng, và với trách nhiệm được Ban lãnh đạo NHNN cử tham gia HĐQT Eximbank, ông đã chấp nhận đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Trên cương vị mới, ông Ninh khẳng định đã tập trung cố gắng kiện toàn tổ chức và quản trị, thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm tổ chức ĐHCĐ lần 2 sớm nhất theo quy định. Tuy nhiên ĐHCĐ lần 2 ngày 21/6 đã không thành công do quy chế đại hội không được thông qua.
Ông Ninh cho biết mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông/ cổ đông còn tiếp diễn chưa thể dung hoà. Trên cơ sở lợi ích của Eximbank, ông Cao Xuân Ninh đề nghị HĐQT chấp thuận cho từ chức Chủ tịch HĐQT để Eximbank tìm kiếm một Chủ tịch mới phù hợp, được toàn bộ Thành viên HĐQT nhất trí thông qua, nhằm giúp đưa Eximbank vượt qua khủng hoảng.
Diễn biến xin từ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank của ông Cao Xuân Ninh là tương đối bất ngờ, khi doanh nhân sinh năm 1962 mới được bầu vào vị trí này trước đó hơn 1 tháng - ngày 22/5.
Động thái này còn gây chú ý hơn khi mà "chiếc ghế" Chủ tịch HĐQT Eximbank đã chìm trong tranh chấp quyết liệt từ cuối tháng 3/2019 đến nay.
Trong cuộc họp HĐQT ngày 22/3, ông Cao Xuân Ninh là 1 trong 7 người bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT Eximbank, dẫn tới khiếu kiện của Chủ tịch cũ Lê Minh Quốc.
Vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank sau đó là không rõ ràng, kể cả tới khi ông Cao Xuân Ninh "tách" nhóm ủng hộ bà Cẩm Tú và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 22/5, như đã biết.
Trong ĐHĐCĐ lần 2 ngày 21/6, nhiều cổ đông đã yêu cầu làm rõ tư cách Chủ tịch HĐQT và Chủ toạ Đại hội của ông Cao Xuân Ninh. Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai thậm chí còn có bài phát biểu cả chục phút, trần thuật lại diễn biến cuộc họp HĐQT hôm 15/5 và qua đó khẳng định việc bầu Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh và quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh là không hợp pháp và vô hiệu, đồng thời khẳng định chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và ĐHĐCĐ.
Trở lại với đơn từ nhiệm, ông Cao Xuân Ninh cùng ngày 26/6/2019 đã có Giấy uỷ quyền Chủ tịch HĐQT cho Phó Chủ tịch Yasuhiro Saitoh.
Ở Nghị quyết đầu tiên ký dưới vai trò Quyền Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Saitoh ngày 8/7/2019 vừa qua đã ký Nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận cho Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Kế toán tài chính ông Nguyễn Ngọc Hà nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hà được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng Eximbank năm 2013 dưới thời cựu Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Đáng chú ý, Nghị quyết ngày 8/7 của HĐQT Eximbank nêu rõ: "Ông Hà phối hợp Eximbank giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong quá trình công tác tại Eximbank và Eximbank ràng buộc trách nhiệm của ông Hà khi nghỉ việc".
Về tranh chấp quyền lực ở Eximbank. Như đã đưa tin, ĐHĐCĐ lần 2 của Ngân hàng diễn ra sáng ngày 21/6 đã không thành công, khi dù có đến 93,88% cổ phần tham dự, song quy chế đại hội đã không được thông qua với 55,09% phủ quyết. Đại hội trở thành nơi để các nhóm cổ đông lớn trình diễn "bài vở" với nhau, mặc cho tiếng nói yếu ớt của các cổ đổ đông nhỏ. (Xem thêm: "Vở diễn" Eximbank)
Dữ liệu của Nhadautu.vn ghi nhận sự xuất hiện của các nhóm cổ đông mới tại Eximbank với hàng trăm triệu cổ phiếu EIB được chuyển nhượng mua bán trong vài tháng đầu năm. Số cổ phiếu này chưa đủ 6 tháng để các nhóm cử đại diện vào HĐQT. Do vậy nhiều khả năng Đại hội cổ đông Eximbank sẽ tiếp tục lỡ hẹn cho đến khi các nhóm cổ đông mới chấp thuận tổ chức vào thời gian thích hợp, khi họ cảm thấy nắm chắc được quyền định đoạt cho số cổ phiếu Eximbank trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của mình.
Thế cục trong nội bộ HĐQT, hay vị trí Chủ tịch có chăng sẽ ngã ngũ vào thời điểm đó.
Theo Xuân Tiến/Nhadautu