Đồng loạt giảm mạnh
Thị trường cổ phiếu Việt Nam trong phiên giao dịch 13/6 tụt giảm theo thế giới với chỉ số VN-Index mất hơn 57 điểm (-4,44%). Trên cả ba sàn, có 800 mã giảm giá, trong đó 237 mã cổ phiếu giảm sàn, rớt hết biên độ cho phép.
Áp lực bán dâng cao từ ngay khi mở cửa và ngày càng mạnh vào cuối phiên. Lực bán diễn ra trên diện rộng ngay từ đầu phiên với chỉ số VN-Index giảm 35 điểm. Tới cuối buổi sáng, VN-Index giảm 42 điểm, trước khi chốt phiên giảm hơn 57 điểm.
Tất cả 30 cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 giảm mạnh đầu giờ sáng và tới cuối phiên mức độ giảm mạnh hơn, chỉ có POW quay đầu tăng giá.
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh thế giới đón tin xấu về tình hình lạm phát và khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Các thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh trong phiên đầu tuần sau khi đã giảm vào cuối tuần trước.
|
Cổ phiếu đồng loạt tụt giảm.
|
Chứng khoán châu Á phiên 13/6 chìm trong sắc đỏ. Các thị trường chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sâu.
Cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ lao dốc với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 900 điểm (tương đương giảm hơn 2,7%), trong khi đó chỉ số công nghệ tụt giảm hơn 3,5%. Chỉ số tầm rộng S&P 500 mất hơn 2,9%.
Nước Mỹ rơi vào tình trạng xấu khi lạm phát lên mức cao nhất trong 42 năm qua (CPI tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ, gấp 4 lần so với mức chuẩn 2%) và nền kinh tế số 1 thế giới khó tránh khỏi kịch bản suy thoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong phiên điều trần trước Quốc hội tuần qua, thừa nhận rằng nước Mỹ dự kiến đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kéo dài, tiếp tục đạt mức 6,3% cho năm 2023.
Giới đầu tư lo ngại Fed sắp tới sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Dòng tiền theo đó có thể quay về Mỹ. Việc đồng USD tăng trở lại gây ra áp lực cho các kênh đầu tư rủi ro.
Hiện tượng lãi suất huy động tăng trên thị trường ngân hàng Việt Nam cũng khiến nhiều người lo ngại dòng tiền sẽ tìm đến những cơ hội đầu tư an toàn hơn trước những biến động của thị trường.
Thị trường cổ phiếu Việt giảm mạnh một phần do lực cầu có dấu hiệu suy cạn. Áp lực bán không quá mạnh trong phiên 13/6 nhưng bên mua khá yếu. Người cầm cổ phiếu liên tục hạ giá bán đẩy nhiều mã giảm sàn.
Chờ điểm tựa cuối năm
Phiên sụt giảm ngày 13/6 khiến nhiều người liên tưởng tới những đợt bán tháo hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, nguyên nhân của đợt giảm sâu lần này có lẽ không đến từ áp lực margin quá lớn. Thanh khoản trong nhịp thị trường phục hồi vừa qua khá thấp.
Trong nước, nhiều báo cáo đánh giá cho rằng, định giá hiện tại cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn. Nhưng những phiên giảm điểm do sức cầu thấp, dòng tiền yếu là khó tránh khỏi, nhất là khi thế giới còn bất định và thị trường vừa trải qua vài tuần hồi phục.
Một điểm sáng trong phiên giao dịch 13/6 là thanh khoản thị trường tăng trở lại, đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn. Một số cổ phiếu ngành điện tăng điểm.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND), thị trường chứng khoán trong tháng 6 có một số yếu tố hỗ trợ như: tình hình Covid-19 ở Trung Quốc được cải thiện (góp phần giảm khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng); nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ; Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40 nghìn tỷ đồng. Nhiều công ty niêm yết có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2023.
Theo VNDIRECT, Fed có kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán giảm khoảng hơn 400 tỷ USD trong nửa cuối 2022. Quy mô này tương đối nhỏ (chỉ chiếm 5% bảng cân đối kế toán hiện tại của Fed), do đó hành động này tác động đến thanh khoản thị trường tài chính quốc tế khá hạn chế.
Cũng theo VND, quá khứ giao dịch của thị trường cho thấy, dòng tiền chảy vào thị trường khi mà định giá đã chiết khấu đủ sâu và hỗ trợ thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Còn theo VinaCapital, dưới góc nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm nhờ niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tăng trưởng lợi nhuận của Việt Nam, cho dù có thể gặp biến động trong 2-3 tháng tiếp theo.
VinaCapital cho rằng thị trường nhận thức làn sóng do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc. Việc Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp là yếu tố tích cực. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng lên…
SGI Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ đi lên. Những khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn. DN này tin tưởng vào việc Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới. Trong khi, định giá cổ phiếu đang ở mức rất hấp dẫn, với PE ở mức khoảng 12 lần.
Theo M. Hà / Vietnamnet