Phất lên từ 15 cây sa nhân
Qua giới thiệu của Hội Nông dân huyện Tuần Giáo, chúng tôi đến nhà anh Mùa Sáy Tòng tại bản Lồng, xã Tỏa Tình vào lúc trời đã chập tối. Có mặt tại đây, chúng tôi chỉ gặp được bà nội anh Tòng. Bên ngoài trời lạnh cóng, trong bếp bà vừa đun củi vừa nói như thì thầm; "Người Mông vất vả lắm các cháu ạ. Vợ chồng chúng nó đi làm từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy về. Thường thì tối mờ tối mịt chúng nó mới về đến nhà. Này, ngoài kia rét cắt da cắt thịt, sẵn bếp lửa đây cháu vào sởi ấm và chờ nhé...".
Khoảng hơn 19h, nghe tiếng xe “ngựa sắt” của anh Tòng vang vảng từ xa về. Vừa xuống xe, nhìn thấy chúng tôi là khách lạ từ xa đến, anh Tòng vui vẻ tiếp chuyện. “Ôi trời! Mấy ngày nay trời lạnh quá. Ở cũng không được, mà đi làm cũng không xong. Không làm thì không có gì bỏ vào bụng, vất vả quá các chú ơi”.
|
Chia sẻ với PV Dân Việt anh Mùa Sáy Tòng khoe: “May quá, nhờ có cây sa nhân mà mấy năm trở lại đây gia đình tôi khấm khá lên nhiều. Làm được 2 cái nhà khang trang này đều nhờ nó (sa nhân) cả đấy”.
|
Trò chuyện với anh Tòng được biết, cây sa nhân xanh được anh trồng từ những năm 1993. Ban đầu, anh trồng thử 15 cây. Thuở đó, làm nương, làm ruộng vẫn là chính, chưa chú tâm nhiều đến giá trị kinh tế của sa nhân nên trồng xong bỏ đó. Mãi đến năm 2003, nhiều tư thương đến tìm mua quả sa nhân với giá cao nên gia đình mới bắt đầu nhổ cỏ, chăm sóc quan tâm đến sa nhân.
Không phụ công chăm bẵm, cuối cùng sa nhân cũng cho “trái ngọt”. Năm 2004, vụ thu hoạch sa nhân đầu tiên anh Tòng cũng "đút túi" 15 triệu đồng. Bước đầu thành công, cây sa nhân tiếp thêm sức mạnh cho anh Tòng có cơ hội làm giàu ngay chính quê hương mình sinh ra.
Giá trị gấp 100 lần so với cây ngô
Theo anh Tòng, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân chi phí đầu tư rất thấp mà hiệu quả kinh tế thì lại rất cao. Một khi san nhân đã phát triển thì rễ lan tới đâu diện tích trồng được mở rộng tới đó. Do được trồng dưới tán rừng nên mỗi năm chỉ làm cỏ 1 lần rồi đến tháng 7, lão nông người Mông lại rủng rỉnh tiền tiêu nhờ hái quả sa nhân bán.
“Nơi tán rừng trồng sa nhân cách nhà chúng tôi khoảng 10 km. Đi xe 5 cây số, cuốc bộ 5 cây số còn lại. Trước đây, trồng ngô vất vả lắm, chăm bón được ngô ra bắp đã khó, vận chuyển được thành quả về đến nhà càng khó gấp bội. Đường thì xa, nào tiền mua phân bón, thuốc trừ cỏ..mà thu nhập từ cây ngô thì lẹt đẹt không bỏ công. Nên vợ chồng tôi quyết định chuyển toàn bộ số diện tích trồng ngô sang trồng sa nhân. Nhờ vậy, chúng tôi đã có của ăn của để, dựng được nhà đẹp, con cái thì được học hành đến nơi đến chốn” – Anh Mùa Sáy Tòng, thật thà chia sẻ.
Cũng theo anh Mùa Sáy Tòng, cây sa nhân ưa độ ẩm, nhiều sương mù và dưới tán cây rừng. Nhưng nếu tán rừng che bóng râm quá nhiều thì cây sa nhân mọc rất rậm rạp, sản lượng đậu quả không cao.
“Trồng sa nhân vừa nhàn, giá bán thì lại cao. Bà con dân bản chúng tôi coi cây sa nhân và sơn tra là cây xóa đói giảm nghèo của bản. Gần chục năm trở lại đây, giá cây sa nhân luôn ổn định. Hiện nay, gia đình cũng có hơn 4ha sa nhân đang kỳ cho quả. Với giá từ 500 – 600 nghìn đồng/kg quả khô, năm 2014 – 2015 thu được 300 kg quả khô, gia đình cũng "bỏ túi" trên 200 triệu đồng.
|
Ngoài trồng sa nhân ra, anh Mùa Sáy Tòng còn có trong tay hàng chục cây táo mèo cổ thụ. |
"Mấy năm gần đây, giá ngô liên tục mất giá (chỉ có 2.500 đến 3.000/kg) thì cây sa nhân cho giá trị kinh tế gấp trăm lần so với cây ngô. Bây giờ, không riêng gì gia đình chúng tôi mà các hộ khác ai cũng bỏ cây ngô, sắn để trồng sa nhân. Có thể nói bây giờ, cả bản người người trồng sa nhân, nhà nhà trồng sa nhân...” – Chị Vàng Thị Dua (vợ anh Tòng) cho hay.
Rời bản Lồng, xã Tỏa Tình chúng tôi hy vọng giá quả sa nhân sẽ luôn giữ mức giá ổn định để giúp nhiều hơn nữa các hộ dân ở bản đây thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra; trồng sa nhân sẽ là mô hình làm giàu ở nông thôn miền núi vùng Tây Bắc...
Theo Tuệ Linh/Dân Việt