Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi tên gọi Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu.
Trước đó, 2 DN nhà ông Đặng Văn Thành: CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã bỏ ra tổng cộng hơn 1,3 ngàn tỷ đồng để nhận chuyển nhượng gần 100% vốn cổ phần Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai.
Đây là bước cuối cùng DN nhà ông Đặng Văn Thành hoàn tất thâu tóm công ty mía đường của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) để trở thành ông trùm trong lĩnh vực này. Giao dịch đã hoàn tất trong tháng 5/2017.
|
Doanh nghiệp nhà ông Đoàn Nguyên Đức gặp nhiều khó khăn. |
BHS và SBT là 2 công ty mía đường chủ lực trong hệ thống Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.
Hai DN này đã có kế hoạch sáp nhập trở thành 1 công ty có quy mô gần nửa tỷ USD. Hiện tại, đây là 2 DN mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán đồng thời là 2 công ty mía đường chủ chốt của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã thực hiện quá trình sáp nhập các công ty mía đường trong hệ thống Thành Thành Công từ nhiều năm. Đường Ninh Hòa đã được sáp nhập vào Đường Biên Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào TTC Tây Ninh.
Vốn hóa của TTC Tây Ninh dự kiến sẽ lên tới 10 ngàn tỷ đồng và doanh thu khoảng 8 ngàn tỷ đồng/năm.
BHS và SBT dự kiến sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2017, thời hạn tối đa 6 năm và mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu để huy động tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. BIDV và công ty chứng khoán BSC là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành cho số trái phiếu trên.
|
Ông Đặng Văn Thành sở hữu các DN mía đường hàng đầu tại Việt Nam. |
Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã rút khỏi cuộc đua trở lại với với Sacombank, ngân hàng mà ông đã gây dựng trọng vòng 20 năm.
Tuy nhiên, những chuyển động gần đây cho thấy, đế chế Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành vẫn đang lớn mạnh và gia đình nhà ông Thành vẫn đang tiếp tục củng cố vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực mía đường và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lợi ích của việc thâu tóm các doanh nghiệp mía đường của Bầu Đức là khá rõ. Đó là, đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Khi TTC mua được nhà máy đường của HAGL thì việc nhập khẩu đường thô cho Đường Biên Hòa sẽ không bị Hiệp hội mía đường Việt Nam phản ứng dữ dội như hồi năm 2013. Sự lớn mạnh của TTC sau khi thâu tóm DN của Bầu Đức sẽ giúp ngành kinh doanh mía đường của TTC có thêm sức để cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.
Theo H. Tú/Vietnamnet