Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản số 147/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm sai phạm tại Dự án Hòa Bình Green City theo quy định của pháp luật.
|
Văn bản số 147/VP-ĐT của Văn phòng UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Kinh tế nông thôn. |
Dự án Hòa Bình Green City là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại. Hòa Bình Green City được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha tại số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Dự án do Công ty TNHH Hòa Bình (ông Nguyễn Hữu Đường giữ chức Chủ tịch HĐQT) và Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư. Vào đầu tháng 10/2011, dự án được chào bán chính thức trên thị trường.
Việc dự án lớn này bị cơ quan chức năng "tuýt còi" đã khiến dư luận nhớ lại những lùm xùm của Hòa Bình Green City trong suốt quá trình xây dựng, trong đó có cả lỗi xây dựng không phép vào hồi đầu năm 2013.
Tự ý xây chùa trên tầng thượng
Theo báo chí phản ánh, sai phạm lớn đây nhất của Hòa Bình Green City đó là xây chùa không phép trên nóc nhà. Cụ thể, báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh, chủ đầu tư Dự án Hòa Bình Green City đã ngang nhiên xây dựng 2 ngôi chùa không phép trên nóc tòa nhà cao 27 tầng vào cuối năm 2015. Ngày 31/5/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có Công văn gửi Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, yêu cầu kiểm tra xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án Hòa Bình Green City (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/6/2016.
Ngày 9/6/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có Công văn số 588/UBND-VP gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo về dự án Hòa Bình Green City. Theo công văn này, dự án khu dịch vụ công cộng thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng (gọi tắt là Dự án Hòa Bình Green City) được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 10/4/2013 quy mô 2 tòa nhà 27 tầng, có 3 tầng hầm, độ cao đến đỉnh mái là 93m.
Thông tin của báo Kinh tế nông thôn cho biết, hiện tại trên nóc tòa tầng 27 của tòa nhà CT01 xây dựng thêm một gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 6/2014.
Tại vị trí nóc tầng 27 của tòa nhà CT02 cũng đã xây 1 gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 2/2015. Cả hai hạng mục trên đều không nằm trong nội dung được cấp phép xây dựng.
|
Ngôi chùa được trên tầng thượng Dự án Hòa Bình Green City. Ảnh: Kinh tế nông thôn. |
Trao đổi trên báo Kinh tế nông thôn về việc Công ty TNHH Hòa Bình xây dựng 2 công trình giống chùa có được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chấp thuận và quản lý, phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, 2 công trình nói trên không có trong danh sách quản lý của Sở và cũng không được Sở chấp thuận cho xây dựng.
Từng xây dựng “không phép”, “chậm nộp thuế”
Trước đó, theo thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 30/11/2015, vào thời điểm tháng 2/2013, trao đổi với báo chí, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Sở Xây dựng yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo UBND phường Vĩnh Tuy phối hợp với thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng đình chỉ có hiệu lực công trình xây dựng không phép - Dự án Hòa Bình Green City.
Cũng thời điểm trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay công trình Hòa Bình Green City là 1 trong 788 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. "Chúng tôi đã báo cáo lên Thành ủy Hà Nội và được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn 18 trường hợp chưa được xử lý dứt điểm vì chủ đầu tư chưa nộp thuế sử dụng đất, trong đó có công trình Hòa Bình Green City", ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho báo chí hay.
|
Đến tháng 2/2013, Dự án Hòa Bình Green City chưa có giấy phép xây dựng, chưa nộp thuế nhưng vẫn hoàn thiện xong phần móng. Ảnh: Hải Ninh/GDVN. |
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 4/2013, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã đồng ý với đề xuất của các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục thuế Hà Nội về biện pháp giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án Hòa Bình Green City theo hướng tạm cấp trích lục bản đồ làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật.
Ông Khôi đã yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm khẩn trương liên hệ với Cục thuế Hà Nội để làm thủ tục giãn tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính của Dự án và có cam kết thực hiện theo đúng quy định. Chủ đầu tư cũng phải liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất thực hiện dự án.
Đặc biệt, ông Khôi còn yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục cấp điện, nước để chủ đầu tư tiến hành hoạt động xây dựng công trình theo Giấy phép xây dựng.
Dư luận thời điểm này cho rằng, dự án này được xây dựng trong tình trạng giấy phép… chạy theo công trình – Giáo dục Việt Nam đưa tin.
Xây dựng làm nứt nhà dân
Phản ánh với báo điện tử VnMedia, bà Dương Thị Chung (trú tại số 40 tổ 26 phường Vĩnh Tuy cũ, nay là số nhà 547 Minh Khai, tổ dân phố 2A - Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, gia đình bà luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sập nhà, do việc xây dựng dự án Hòa Bình Green City khiến nhà bị lún, nứt.
|
Anh Hiểu - con trai bà Chung chỉ cho phóng viên xem vết nứt trong nhà anh. Ảnh: VTC |
Trước khi tòa nhà chung cư Hòa Bình Green City chưa xây dựng thì toàn bộ ngôi nhà mà hộ gia đình bà Chung đang sinh sống ổn định, không có hiện tượng nứt nẻ, nghiêng lún.
Nhưng từ khi chủ đầu tư Công ty TNHH Hòa Bình triển khai xây dựng Chung cư Hòa Bình Green City, khu nhà 35 tầng phía tây giáp với ngôi nhà gia đình bà đang sinh sống, thì toàn bộ tường ngôi nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.
Đặc biệt là sau khi chủ đầu tư tiến hành đào móng và ép cọc bê tông để xây dựng khu chung cư Hòa Bình Green City, thì bên trong và bên ngoài ngôi nhà đã bị nứt, biến dạng rất nghiêm trọng. Toàn bộ mặt sàn khu tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà đều bị thấm dột. Khu vực tầng 2 nhà bà xuất hiện rất nhiều các vết nứt ngang, dọc khiến cả gia đình đều lo lắng khi hàng ngày vẫn phải tiếp tục sinh sống tại đây.
"Những vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều, khiến gia đình tôi rất lo lắng.Chúng tôi đã thuê công ty kiểm định vào để kiểm tra và xác định mức độ hư hại của ngôi nhà", bà Chung cho hay.
Theo bà Chung, sau khi xảy ra việc lún, nứt, chủ đầu tư đã cử người sang kiểm tra và đưa ra mức đền bù cho gia đình. Ban đầu mức đền bù chỉ từ 25 - 30 triệu đồng, sau đó mức đền bù được nâng dần lên 100 triệu đồng rồi đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá mức độ thiệt hại của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư kiến trúc công trình VCOM, thì tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 344 triệu đồng. Vì vậy bà Chung cho rằng mức đến bù này quá thấp so với thiệt hại mà gia đình bà đang phải gánh chịu.
Trả lời về vấn đề này, theo văn bản gửi cho báo chí, Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, phía chủ đầu tư đã nhiều lần sang nhà bà Chung để cùng nhau xem xét thực tế nhà bà Chung bị ảnh hưởng từ việc xây dựng của Cty TNHH Hòa Bình, nhưng vẫn không thống nhất được mức đền bù.
Trong đó, bà Chung cho rằng, các lần làm việc của chủ đầu tư với gia đình bà đều làm việc bằng miệng, không có bất cứ văn bản, giấy tờ gì.
Hồng Liên (Tổng hợp)