Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, người người nhà nhà lại đổ xô đi đổi tiền lẻ. Các loại tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... thường được mọi người sử dụng để đi lễ.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không khó để bạn có thể tìm được các điểm đổi tiền. Chỉ cần một cú click chuột là rất nhiều địa chỉ gợi ý xuất hiện.
Với những tờ tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống, mức phí đổi cao hơn hẳn, thậm chí có thể gấp đôi hoặc gấp 3 so với bình thường.
Các Facebook chuyên đổi tiền thường đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn như: "Tiền mới cứng còn nguyên sê-ri, nguyên đai, nguyên kiện của ngân hàng. Anh, chị có nhu cầu có thể đến nhận tiền trực tiếp hoặc có ship COD quanh khu vực Hà Nội. Nếu đổi càng nhiều, phí đổi càng giảm. Năm nay tiền rất khan hiếm, cả nhà đổi sớm để được giá tốt nhé ạ".
Về mức phí đổi tiền, người mua phải trao đổi riêng qua tin nhắn mới biết được giá cụ thể.
Một số nơi báo mức phí đổi tiền cao "cắt cổ". Cụ thể, tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng phí 10%, mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng có phí 12%, mệnh giá 1.000 đồng là 15%.
Mức phí phổ biến từ 6-20% so với số tiền cần đổi. Tiền mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao. Đặc biệt, mệnh giá 500 đồng có phí đổi lên đến 300-400%, tức người đổi phải mất 3-4 lần mệnh giá thực để đổi được tiền mới nguyên serie.
Thậm chí, những người đổi tiền còn nói rằng nếu không nhanh tay thì gần Tết phí đổi còn cao hơn nữa.
Dù mức phí cao như vậy nhưng thị trường đổi tiền vẫn rất nhộn nhịp, không thiếu khách.
Trước hiện tượng đổi tiền lẻ tràn lan với phí dịch vụ cao ngất ngưởng, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành nhiều tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán nhằm tránh lãng phí và các tiêu cực phát sinh.
Theo pháp luật hiện hành, việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là hành vi bị nghiêm cấm. Đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá... có thể bị xử phạt hành chính ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Theo Khoevadep