Kể từ 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lên núi thiền, mọi công việc điều hành Trung Nguyên đều được giao lại cho những người thân cận. Lần xuất hiện đáng nhớ nhất của ông là dịp Trung Nguyên tổ chức sự kiện kỷ niệm 22 năm thành lập công ty vào giữa tháng 6/2018. Ông Vũ xuất hiện đầy lạ lẫm với cương vị là Chủ tịch của Trung Nguyên Legend và xưng “Qua” với “những người anh em thiện lành”.
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện trong sự kiện kỷ niệm 22 năm thành lập Tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Internet. |
Thời điểm đó, ông Vũ giới thiệu đến thị trường 3 dòng sản phẩm mới, kèm theo việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Thêm nữa, các chuỗi không gian cà phê Trung Nguyên cũng sẽ thay đổi, trong đó có Trung Nguyên Legend Café và tiếp tục kế hoạch với chuỗi E-coffee.
|
Thương hiệu Trung Nguyên Legend Café. |
Thời gian đó, vợ chồng ông Vũ đã có những “lục đục”. Trong khi ông Vũ tiếp tục dồn sức vào hệ thống chuỗi cà phê Trung Nguyên thì bà Thảo cũng khai trương quán cà phê King Coffee ở Gia Lai, TP.HCM…
Tập đoàn Trung Nguyên được coi là “vua” xuất khẩu cà phê, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tập đoàn này có nhiều mảng kinh doanh gồm cà phê rang xay, cà phê hòa tan và mảng nhượng quyền cửa hiệu.
Một số thông tin cho rằng, có thời kỳ Trung Nguyên áp đảo về mảng cà phê rang xay với thị phần khoảng 60%, kiếm tiền nhiều từ xuất khẩu cà phê hòa tan ở thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho thấy doanh thu thuần trong giai đoạn ông Vũ vắng bóng (2014-2017) hầu như không tăng nhiều, còn lợi nhuận đi xuống. Doanh thu của Trung Nguyên ước khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2017.
Với các mảng hoạt động khác như chuỗi cà phê hay nhượng quyền thương hiệu, con số doanh thu có thể khả quan nhờ sự sôi động của thị trường cà phê. Tuy nhiên, Trung Nguyên lại phải đối phó với sự bứt phá của nhiều đối thủ cả nội lẫn ngoại, khiến vị thế của Trung Nguyên trên sân nhà bị lấn át ít nhiều.
Trong khi ông chủ Trung Nguyên liên núi thiền và sau đó là vướng vào vụ ồn ào tranh giành quyền lực cùng cuộc ly hôn nghìn tỷ, các đối thủ đã và đang dần chiếm thị phần.
|
Trong khi vợ chồng của thương hiệu Trung Nguyên "lục đục", Vinacafe Biên Hòa đã có nhiều thành công mới. |
Vinacafe Biên Hòa trên thị trường café hòa tan vẫn đang kinh doanh khá ổn định sau khi về tay của Masan Beverage. Trên thị trường này, Trung Nguyên nổi bật với G7, Vinacafe Biên Hòa với Gold hay Wake up, còn Nestle là Nescafe 3 in 1. Theo một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, năm 2014, Vinacafe chiếm 41% thị phần, thứ hai là Nestlé (26,3%), thứ ba là Trung Nguyên (16%).
Trong khoảng thời gian Trung Nguyên “lục đục”, Vinacafe Biên Hòa đã tìm lại được hướng đi mới với dòng sản phẩm nước tăng lực. Doanh thu dòng sản phẩm này đã tăng từ gần 800 tỷ đồng năm 2016 lên 1.225 tỷ đồng trong năm 2017, đóng góp tương đối lớn vào lợi nhuận của công ty.
Bắt đầu từ năm 2017, Vinacafe Biên Hòa đã cố gắng để phục hồi lại thương hiệu café hòa tan đang dần kém đi của mình bằng cách đẩy mạnh các sản phẩm cũ chưa hiệu quả hay tung ra nhiều sản phẩm mới, ví dụ như cà phê hòa tan 3 trong 1 Wakeup Sài Gòn hay cà phê hòa tan 3 trong 1 Wake-up Thượng Hạng.
|
Một dòng sản phẩm mới của Vinacafe Biên Hòa. |
Như vậy, có thể thấy, kể từ khi ông Vũ lên vắng bóng và sau đó là đối mặt với những rắc rối tranh giành quyền lực trong cuộc ly hôn với vợ cũ, thị trường cà phê Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi.
Thế Hoàng (tổng hợp)