Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); Tập đoàn Bảo Việt (BVH); Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) vào "tầm ngắm" giám sát tài chính năm 2023 của Bộ Tài chính.
Doanh thu nghìn tỷ
Thành lập từ năm 2011, nhưng phải gần 5 năm sau, đến tháng 7/2016, Vietlott mới cho ra mắt loại hình xổ số điện toán Vietlott. Với giải thưởng độc đắc lên tới hàng trăm tỷ đồng, xổ số tự chọn Vietlott nhanh chóng mở rộng thị trường ra toàn quốc.
Những năm trước đó, công ty chưa có doanh thu phát sinh từ phát hành vé số. Tất cả doanh thu đều đến từ hoạt động tài chính. Theo đó, năm 2014, hầu hết tài sản được Vietlott mang đi đầu tư tài chính, giúp công ty mang về hơn 23,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí quản lý cao ngất ngưởng, công ty chỉ thu về khoản lãi sau thuế 829 triệu đồng. Đây cũng là khoản lãi đầu tiên Vietlott thu kể từ khi thành lập vào năm 2011. Năm 2015, công ty cũng thu về gần 19 tỷ đồng từ hoạt động tài chính nhưng báo lãi ròng chỉ vỏn vẹn 65 triệu đồng.
Đến tận giữa năm 2016, Vietlott vẫn chưa có doanh thu từ hoạt động phát hành xổ số, và ghi nhận lỗ ròng gần 4 tỷ đồng.
Cho đến tháng 8/2016, sau khi phát hành loại hình xổ số tự chọn Mega 6/45 gây “sốt nóng”, Vietlott lần đầu tiên phát sinh doanh thu từ kinh doanh xổ số với 1.223 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và các chi phí quản lý, vận hành liên quan, công ty báo lãi ròng 86 tỷ đồng trong năm 2016, gấp 1.300 lần so với năm trước đó. Thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản công ty tăng mạnh mẽ lên gần 1.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm. Trong cơ cấu, Vietlott đem 88% tổng tài sản của mình đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Với kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm cùng mức lãi suất từ 4,2 - 6,31%/năm tại các ngân hàng thương mại, công ty đã thu về 22 tỷ đồng tiền lãi khi gửi tiền tại đây tính riêng trong năm 2016.
Giai đoạn từ năm 2017 - 2019, doanh thu thuần của Vietlott tương đối ổn định khi trở thành hiện tượng xổ số, đặc biệt là khu vực phía Nam, với mức trao thưởng cao gấp nhiều lần xổ số truyền thống. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2020, trở thành cú sốc lớn cho các công ty xổ số, nhưng Vietlott không những không bị ảnh hưởng mà doanh thu trước thuế còn tăng gần 1.000 tỷ đồng lên 4.930 tỷ đồng.
Theo đó, công ty mang về khoản lãi ròng 168 tỷ đồng vào năm 2020, tăng hơn 10% so với năm trước. Năm 2021, Vietlott vươn lên giữ vị trí thứ 2 trong những doanh nghiệp xổ số có doanh thu cao nhất, chỉ sau công ty xổ số kiến thiết TPHCM và hơn xổ số kiến thiết Vĩnh Long 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù có quy mô phủ rộng các tỉnh ,thành trên cả nước, doanh thu đứng thứ 2 thị trường, nhưng lợi nhuận của Vietlott chỉ “bé hạt tiêu”. Theo đó, năm 2021, doanh thu Vietlott tăng nhẹ 3% so với năm trước lên 4.063 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 6% còn 199 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này còn thấp hơn tất cả 21 công ty sổ xố kiến thiết tại các tỉnh khu vực miền Nam dù quy mô của Vietlott khá lớn khi đang triển khai kinh doanh qua kênh thiết bị đầu cuối tại 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.
|
Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận bé tí, vì sao Vietlott sắp bị giám sát tài chính? (ảnh minh họa:Internet). |
Theo báo cáo tài chính năm 2022, Vietlott đạt doanh thu 6.272 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 208 tỷ đồng, lợi nhuận này sau khi trích lập các quỹ được nộp về ngân sách các địa phương theo tỷ lệ doanh thu.
Với 55% doanh thu dành cho trả thưởng, Vietlott đã trả thưởng 3.430 tỷ đồng đến người chơi trên toàn quốc, tăng hơn 600 tỷ đồng so với năm 2021. Đối với các sản phẩm xổ số tự chọn số ma trận (Mega 6/45, Power 6/55), ghi nhận có hơn 5 triệu vé trúng thưởng. Đối với các sản phẩm xổ số tự chọn số dãy số (Max 3D/3D+, Max 3D Pro), ghi nhận gần 900 nghìn vé trúng thưởng.
Theo Vietlott, đối với loại hình xổ số quay nhanh với tính chất quay số mở thưởng liên tục, 10 phút/kỳ quay số mở thưởng nên ghi nhận số lượng vé trúng cao, như Keno lên đến hơn 18 triệu vé trúng thưởng, hoặc như Bingo18 mới ra mắt hơn 3 tháng cũng ghi nhận 479 nghìn vé trúng.
Cũng trong năm 2022, Vietlott đã đóng góp hơn 1.710 tỷ đồng vào ngân sách các địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên địa bàn, tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2021.
Giám sát tài chính gián tiếp
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 với doanh nghiệp có vốn Nhà nước do bộ này đại diện chủ sở hữu. Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) là một trong 5 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch giám sát gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt.
Phương thức thực hiện gồm: Giám sát trực tiếp (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp) và giám sát gián tiếp (theo dõi và kiểm tra tình hình của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan đại diện chủ sở hữu).
Đáng chú ý, với Vietlott, Bộ Tài chính dự kiến áp dụng hình thức giám sát gián tiếp gồm: Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, có hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án đầu tư; hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước của Vietlott.
Đối với Tập đoàn Bảo Việt, Bộ Tài chính cũng sẽ giám sát thêm việc thu cổ tức được chia từ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, việc cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết…
Liên Hà Thái (tổng hợp)